(GLO)- Ngoài những bệnh di truyền về máu, con người có thể rơi vào nhiều trường hợp ngoài ý muốn cần phải cấp cứu truyền máu như bị rắn độc cắn, băng huyết trong sinh nở, tai nạn giao thông.... Đó là nhận định của bác sĩ Đinh Xuân Bảy-Phó Trưởng khoa Huyết học-Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngân hàng máu của bệnh viện luôn cần có máu để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Nhưng không phải lúc nào lượng máu này cũng đáp ứng đủ nhu cầu. Hiến máu nhân đạo được coi là nghĩa cử nhân văn sâu sắc, được người dân hưởng ứng khá mạnh mẽ trong thời gian qua, cho thấy tinh thần nhân ái, sẻ chia rất lớn của cộng đồng đối với người bệnh.
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại
Mới 5 tuổi nhưng bé Bùi Thị Nhi, thôn Ring 1, xã Hbông, huyện Chư Sê đã là bệnh nhi có thâm niên tại Khoa Nhi-Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Em bị căn bệnh Thallassemia (bị tán huyết, đời sống hồng cầu ngắn gây thiếu máu kinh niên). Cứ khoảng 1-2 tháng, em lại đến bệnh viện để truyền hồng cầu khối-một chế phẩm từ máu. Theo các bác sĩ, bệnh của em phải được truyền máu suốt đời. Mắc chứng bệnh tương tự như em còn có Rơ Mah Phiên-11 tuổi ở làng Klă, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông.
Định kỳ 2 tháng một lần, bé Bùi Thị Nhi phải tới bệnh viện để truyền máu. Ảnh: H.N |
Một số bệnh nhi mắc các bệnh về máu bẩm sinh khác là bệnh Hemophylia cũng điều trị thường xuyên tại khoa Nhi như Nguyễn Huy Hoàng-8 tuổi, ở xã Ayun, huyện Mang Yang. Đây là bệnh máu không đông do thiếu hụt yếu tố XIII và phải bổ sung máu liên tục (khoảng 2 tháng/1 lần), nếu không sẽ xuất huyết ở các ổ khớp, gây khó khăn trong vận động. Hiện có nhiều trẻ em bị mắc các bệnh về máu sinh như kể trên tại khoa Nhi. Các y-bác sĩ ở đây thuộc lòng hàng chục bệnh án của các em bởi đây là những bệnh phải điều trị thường xuyên, suốt đời.
Bác sĩ Phú-Phó Trưởng khoa Nhi cho biết: “Điều trị bệnh này cần nhiều máu và thường xuyên. Máu tươi phải qua công đoạn điều chế thành sản phẩm, cần yếu tố nào tách lấy yếu tố đó để truyền cho bệnh nhi”. Ông cũng cho biết thêm, đa số các bệnh nhi mắc chứng bệnh này gia đình rất khó khăn, trong khi chi phí điều trị cho các em rất lớn (5-7 triệu đồng mỗi đợt điều trị).
Bác sĩ Đinh Xuân Bảy thông tin thêm: “Một sản phụ sinh nở không may bị băng huyết có thể phải truyền từ 10 đến 20 đơn vị máu. Các trường hợp như xuất huyết dạ dày, rắn độc cắn, mổ chấn thương sọ não hay các bệnh nội khoa như suy tủy, bạch cầu cấp, bạch cầu mãn tính, viêm thận mãn… đều cần rất nhiều máu trong điều trị”. Mới đây nhất là đêm 10-3, bệnh nhân Trần Văn Hảo (52 tuổi) phải cấp cứu do bị xuất huyết dạ dày. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, các bác sĩ phải truyền tới 10 đơn vị máu mới cứu bệnh nhân này thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Cộng đồng chia sẻ
Trong quý I-2012, bệnh viện tiếp nhận 1.135 đơn vị máu do những người tình nguyện hiến tặng, đáp ứng trên 90% lượng máu điều trị cho bệnh nhân. 10% còn lại sử dụng máu của người bán máu chuyên nghiệp (thường chất lượng máu không cao) và máu của người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Đinh Xuân Bảy nhận xét: “Các năm trước, lượng máu của những người hiến máu tình nguyện chỉ đáp ứng 75-80% nhu cầu của bệnh viện. Sang năm 2011, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên lượng máu thu nhận tăng cao, đáp ứng 90% nhu cầu. Điều đó cho thấy nhiều người đã nhận thức đúng về hiến máu và tham gia tích cực vào hoạt động nhân đạo này”.
“Sử dụng máu của người nhà hay của những người bán chuyên nghiệp nhiều khi không đảm bảo cho người bệnh. Trong khi bất cứ ai cũng có khả năng rơi vào những trường hợp cấp cứu truyền máu, vì thế hãy mạnh dạn tham gia hiến máu ngay từ bây giờ, bởi cho đi để nhận về…”-bác sĩ Ksor H’Nhan-Phó Trưởng ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh chia sẻ. Mục tiêu của Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện là trong năm 2012 sẽ vận động người tham gia hiến máu tình nguyện để có thể đáp ứng 100% nhu cầu máu của bệnh viện. Song, để hiện thực hóa mục tiêu này, rất cần sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố. “Thực tế, địa phương nào được lãnh đạo quan tâm chỉ đạo, ở đó luôn làm tốt phong trào này”-bà H’Nhan nói.
Thực tế, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về hiến máu tình nguyện và còn e ngại khi được vận động hiến máu. Ngược lại, cũng không ít người rất nhiệt tâm với hoạt động giàu tính nhân văn này và họ xứng đáng là những “hiệp sĩ” không chỉ với ngành Y tế, mà với cả xã hội.
Chứng kiến những em bé không may bị các bệnh về máu, vật lộn từng ngày với sự sống, những sản phụ thiếu may mắn trong cơn vượt cạn hay vô số những căn bệnh hiểm nghèo khác, mới hiểu những giọt máu của người hiến tặng quý giá biết chừng nào với sự sống còn của bệnh nhân…
Nguyên Bình