(GLO)- Người Việt có một thói quen rất lạ là hay so sánh. So sánh công việc, tiền lương, nhà cửa, xe cộ... và đặc biệt là hay so sánh về con cái. Cụm từ “con nhà người ta” có lẽ rất quen thuộc, quen thuộc đến nỗi hầu như tuổi thơ của ai cũng từng trải qua cảm giác bị đem ra so sánh với “con nhà người ta”.
Là cha mẹ, chúng ta hay áp đặt con cái theo ý kiến chủ quan của mình. Nếu thấy con mình gầy hơn con nhà người ta thì sẽ bắt con ăn thật nhiều. Nhưng bố mẹ không hiểu rằng việc ăn bao nhiêu là lựa chọn của con trẻ; chỉ cần con khỏe mạnh, không đau ốm vặt là được, chưa kể nếu mập quá con sẽ dễ mắc nhiều bệnh lý của tuổi nhỏ. Con chưa nhanh nhẹn, không hoạt ngôn thì bố mẹ sẽ ép con hoạt động nhiều, bắt làm theo những điều mà bố mẹ muốn, nếu trẻ không đáp ứng sẽ bị phạt hoặc bị đánh đòn. Điều đó rất dễ gây ra sự chán nản cho con cái, gây mất tự tin hoặc tạo ra sự chống đối trong hành vi của con trẻ.
Áp lực-trầm cảm, 2 từ này giờ đây có lẽ không còn xa lạ với nhiều người trong cuộc sống hiện đại. Trẻ em đi học thì áp lực học hành từ điểm số, bố mẹ, bạn bè, thầy cô. Người lớn thì áp lực từ công việc, kinh tế gia đình, quan hệ xã hội, con cái…; chưa hết, mỗi người còn tự tạo áp lực cho mình bằng cách so sánh với gia đình người khác, dù xuất phát điểm của các gia đình không hề giống nhau. Và những đứa trẻ chính là đối tượng được đưa ra so sánh nhiều nhất. Dù có cố gắng đến thế nào thì cũng không thể bằng được “con người ta” nên đứa trẻ đó sẽ rơi vào trầm cảm khi mọi nỗ lực đều không được bố mẹ, người thân công nhận. Nếu yếu đuối trong nhận thức, trẻ sẽ dễ bị những thành phần xấu lôi kéo, hoặc tệ hơn nữa là tìm đến cái chết khi hoang mang, mất niềm tin.
Nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ được sinh ra đều là duy nhất, tùy theo từng hoàn cảnh cũng như gen di truyền mà chúng sẽ có những tố chất và sự phát triển khác nhau, không ai giống ai. Có trẻ thích sách, có trẻ đầy thiên hướng hội họa, cũng có bé cảm thụ âm nhạc rất tốt. Có bé thích giao tiếp nhưng có bé lại hướng nội… Tóm lại, mỗi đứa trẻ sẽ có những thiên hướng riêng. Nếu bố mẹ chịu khó quan sát con của mình và để con phát triển theo khả năng thì tương lai các em sẽ thành công không khác gì những đứa trẻ tài năng khác mà bố mẹ đã thấy. Ví dụ, nếu con thích học nhảy để làm vũ công mà bố mẹ nhất mực bắt con trở thành bác sĩ thì sẽ tạo áp lực rất lớn, khiến con mất tự tin vào bản thân mình, đến lúc trưởng thành thì con cũng chỉ là đứa “bất tài vô dụng” đúng như lời bố mẹ nói. Thay vì để con phát triển như con muốn, nhiều phụ huynh lại muốn con phát triển theo cách họ thích, để rồi cả con và bố mẹ đều chẳng bao giờ đạt được điều mình mong muốn.
Con tôi là một đứa trẻ nhút nhát, ít nói và chậm hơn các bạn cùng lứa. Trước kia, cũng chỉ vì so sánh con với bạn bè cùng trang lứa, tôi đã áp đặt con nhiều thứ; khi con không làm được, tôi cảm thấy rất chán nản và nghĩ rằng con mình thật sự kém cỏi. Tôi càng bực mình mắng, con càng rụt rè và nhút nhát hơn nữa. Nhận ra mình đã sai, tôi gần gũi và trò chuyện nhiều với con hơn, khen ngợi những điều con đã làm được. Và tôi phát hiện ra rằng, dù con không nhanh nhẹn, không hoạt ngôn bằng các bạn nhưng ngược lại con làm rất tốt những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ cũng như óc quan sát.
Hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cũng là cái hay, nhưng điều này đã vô hình trung triệt tiêu sự phát triển theo thế mạnh của từng cá nhân. Albert Einstein-nhà vật lý nổi tiếng người Đức-từng nói: “Mỗi con người đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời và nghĩ rằng mình thật ngu ngốc”. Vậy nên tốt hơn hết hãy để con phát triển theo đúng sở trường để con tự tin và hòa nhập với bạn bè, cộng đồng xã hội; để con được thành công và hạnh phúc đúng nghĩa.
LÊ VI THỦY