Mở lối cho du lịch cộng đồng - Kỳ 1: Cộng đồng làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Du lịch được tỉnh ta xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và là hướng đi bền vững. Trong đó, loại hình mà người dân đóng vai trò chủ thể là du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch cộng đồng cất cánh là bài toán đòi hỏi cần có những định hướng, giải pháp cụ thể cũng như sự chung tay của các ngành, địa phương và người dân.
Đến nay, du lịch cộng đồng ở Gia Lai đã có những bước đi đầu tiên, qua đó hình thành sản phẩm du lịch mới mẻ phục vụ du khách. Những bước đi này dù vẫn còn chậm nhưng được xem là cần thiết để tạo đà phát triển cho loại hình du lịch dựa vào người dân và văn hóa bản địa để khai mở.
Bước đi tiên phong
Đối với nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài, làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã không còn xa lạ. Ngôi làng ở phía Đông Trường Sơn ấy được biết đến bởi tấm lòng rộng mở của người dân, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như cách làm du lịch độc đáo mà người khởi xướng là anh Đinh A Ngưi. Là một nhân viên ngành văn hóa, anh A Ngưi sớm phát huy thế mạnh của nơi mình đang sống để hình thành nên sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo.
 Nghệ nhân Dơng-Làng kháng chiến Stơr phục dựng-cần mẫn ngày ngày thực hành đan lát để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: P.L
Nghệ nhân Dơng-Làng kháng chiến Stơr phục dựng-cần mẫn ngày ngày thực hành đan lát để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: P.L
Khởi nguồn từ việc kết nối, dẫn dắt các đoàn khách tham quan ghềnh thác, di tích lịch sử trên địa bàn, anh A Ngưi mở homestay-một không gian đậm chất Bahnar, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách. Những người tham gia phục vụ ở homestay này đều là dân làng Kgiang, có cả nghệ nhân của các loại hình văn hóa dân gian. Mô hình làm du lịch mới mẻ của anh A Ngưi đã tạo việc làm cho khoảng 30 người dân trong làng với mức thu nhập trung bình 200 ngàn đồng/người/ngày. Anh chia sẻ: “Hiện tại, mình đã hình thành nên các gói sản phẩm du lịch để “bán” cho du khách, từ tham quan, trải nghiệm đến ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ. Trong đó có sản phẩm tour “Câu chuyện của Dăm Hrít” dành cho đối tượng từ 7 đến 35 tuổi tham gia trải nghiệm làm nương rẫy: trồng lúa, trồng bông; học cách dệt vải, nhuộm màu truyền thống; đi lấy mật ong, xúc cá suối, hái rau rừng…”. Homestay đi vào hoạt động được gần 1 năm, bà con trong làng ai cũng vui vì Kgiang được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, lại có thêm thu nhập. Đặc biệt, nhiều nét văn hóa truyền thống như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, kể khan được đánh thức và giữ gìn. 
Cùng với Kgiang, Mơ Hra (cùng xã) cũng là ngôi làng mà người dân làm du lịch cộng đồng khá bài bản. Trong kế hoạch giúp làng Mơ Hra cách thức làm du lịch, các thành viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đã chia người dân trong làng thành 5 nhóm: nhóm ẩm thực, nhóm mây tre, nhóm thổ cẩm, nhóm tiếp đón khách, nhóm văn nghệ. Không chỉ dệt những tấm thổ cẩm lớn, chị em trong nhóm đã biết cách làm nên nhiều sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, nhỏ gọn, đẹp mắt, phù hợp với nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm của du khách như: móc khóa, ví cầm tay, túi xách. Tương tự như vậy với các sản phẩm mây tre; những chiếc rổ bé, chiếc gùi nhỏ xinh được du khách thích thú và sẵn sàng chi tiền mua về làm quà. Sau một thời gian cùng nhau tập huấn về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật cũng như tham quan, học hỏi, dân làng Mơ Hra đã phần nào hình dung cách cộng đồng làm du lịch, biến làng trở thành điểm đến hấp dẫn.
Từ ngày tham gia nhóm mây tre của dự án, tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông Đinh Nen lại tỉ mỉ chuốt nan, đan những chiếc gùi to gùi nhỏ, nong, nia... Vợ ông là bà Đinh Doc và con gái là chị Đinh Klây cũng chăm chỉ bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp mắt. Ông Đinh Nen cười thật tươi chia sẻ: “Phấn khởi lắm. Tham gia dự án, ngoài những lúc làm nương rẫy, bà con có thêm thu nhập, giao lưu, giới thiệu văn hóa làng mình cho khách. Ai cũng vui cũng thích nên bảo nhau cố gắng cùng làm du lịch”.  
Phát huy thế mạnh 
Gia Lai sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử giá trị, các làng Jrai, Bahnar nguyên sơ, yên bình. Người dân bản địa là chủ nhân của nhiều di sản văn hóa độc đáo từ kiến trúc, cồng chiêng, thổ cẩm đến các nhạc cụ cùng làn điệu dân ca độc đáo... Đó là những điều hấp dẫn du khách bốn phương với mong muốn được khám phá, trải nghiệm. Ông Phạm Hải Quỳnh-Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam-cho hay: “Gia Lai sở hữu rất nhiều tiềm năng để làm du lịch cộng đồng. Tại các làng đồng bào Bahnar, Jrai, bà con vẫn còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống từ cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm đến các lễ hội, nghi lễ cúng tế. Các ngôi làng như vậy cũng nằm trong sự kết nối không gian với các điểm danh thắng, lịch sử khác trên địa bàn tỉnh nên rất thuận lợi để bà con làm du lịch”.
Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được đầu tư xây dựng thành làng du lịch cộng đồng. Ảnh: K.N.B
Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được đầu tư xây dựng thành làng du lịch cộng đồng. Ảnh: internet

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch do chính cộng đồng phối hợp tổ chức, quản lý để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương như: phong cảnh, văn hóa, đời sống sinh hoạt…

Từ nhiều năm nay, làng văn hóa du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được quan tâm đầu tư phát triển thành làng du lịch cộng đồng. Vào dịp cuối tuần hay lễ Tết, ngôi làng Jrai này đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực và khám phá văn hóa bản địa. Ngoài thu nhập từ nông nghiệp, dân làng cũng trồng thêm các loại rau đặc sản để bán cho các nhà hàng. Họ còn tham gia vào các đội cồng chiêng, múa xoang, hòa tấu nhạc cụ đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách. Ông Kpui Jiâo bày tỏ: “Từ khi nhà rông được đầu tư lại, rồi có thêm đội cồng chiêng, vườn tượng gỗ dân gian, đường làng sửa sang sạch đẹp, lại có quán ẩm thực Plây Cồng Chiêng, làng Ốp trở nên nhộn nhịp hơn hẳn do nhiều khách đến tham quan. Nhà tôi còn trồng thêm mì, lá é, cà đắng, nuôi gà, heo để cung cấp cho các quán ăn. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình cải thiện rất nhiều”.
Khám phá, trải nghiệm văn hóa vùng miền là xu hướng du lịch được nhiều du khách chọn lựa. Sau khi dạo quanh Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), chị Lê Thị Thu Hương (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) rất thích thú khi được trải nghiệm hoạt động đan gùi tại ngôi làng kháng chiến phục dựng trên triền đồi. Từng nan tre mỏng dưới đôi tay của nghệ nhân được đan cài thoăn thoắt, khéo léo nhưng chị Hương thì cứ lúng túng, ngượng ngập khiến ai cũng phải bật cười. Chị vui vẻ nói: “Nhìn thì thấy đơn giản nhưng khi tự tay làm mới biết rất khó. Một chiếc gùi, một chiếc nong, nia thủ công để hoàn thiện cũng không mấy dễ dàng. Tôi sẽ mua một vài món đan lát nhỏ xinh ở đây về làm kỷ niệm”.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều ngôi làng cũng đã định hình hướng phát triển du lịch cộng đồng như các làng: Kép (xã Ia Mơ Nông), Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah); Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng), Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang); Kon Ma har, Kon Pơ Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa); Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ)… Văn hóa truyền thống độc đáo cùng không gian sống chưa nhiều biến đổi là điểm chung của các ngôi làng kể trên. Đó chính là nền tảng vững chắc để bà con mạnh dạn làm du lịch cộng đồng.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.