Miên man tháng Chạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng Chạp, nghe tiếng thời gian đi rất vội. Bỏ lại sau lưng bao lo toan thường nhật, bồi hồi nhớ thời sinh viên theo tiếng còi tàu âm u đi qua những nẻo đường mưa nắng, vượt qua bao ngọn núi con sông về lại quê nhà sau ngày dài xa cách. Rời sân ga xép vắng ngắt, dừng chân bên bến sông quê trong đêm khuya lạnh, tôi chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Yến Lan: “Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng/Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…”.
Giờ này, những chiếc lá mai rụng xuống vắt mình sang xuân chúm nụ căng nõn, ken dày hẹn đón Tết có sắc vàng rực rỡ, tinh khôi. Loài hoa của đất trời, của lòng người với tận cùng dâng hiến thân cành, gốc tán, sắc hương; hội tụ bao phẩm chất cao đẹp: tiết tháo, trung tín, ngoan cường, khí phách. Vì thế, Cao Bá Quát mới hạ mình: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Dịch nghĩa: Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai); Mãn Giác thiền sư cũng mô tả trong câu kệ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Dịch thơ: Đừng tưởng đông tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai). Giật mình bắt gặp lời hoa cỏ trong lời tiền nhân cớ sao bước chân còn lạc loài đi, tìm, có lúc mải miết ưu tư? Chợt thương dã quỳ hoa tàn, lá nẫu xạc xào nắng gió. Đi qua thời gian vàng rực núi đồi, dã quỳ lụi tàn, nhường chỗ cho bao nhiêu loài hoa cỏ khác rộn rã sắc màu nhờ sương xuân lất phất, nắng xuân dịu dàng, tiết xuân ấm áp, nồm non hiu hiu cánh gió!
Chợt thương cây bàng, có lạnh lắm không khi thân cành trơ trụi, nước da nẫu thếch mỗi đợt gió bấc tràn về, đêm sâu sương muối đọng? Nhựa sống tiềm sinh, hẹn xuân về chồi non bật thức rộn ràng và kiêu hãnh, đời cây vốn thế sao lòng ta lại dấy lên nỗi niềm. Lại chợt ngân lên những ca khúc viết về mùa xuân với ca từ đẹp, tiết tấu du dương đánh thức tâm hồn.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cánh khói nhớ ai mà ngại ngùng lan tỏa, ngập ngừng bay lên? Đốt lá vườn nhà chiều cuối năm, thơm ơi mùi khói! Ký ức ùa về tuổi thơ đồng bãi. Ngõ trước, vườn sau giúp cha chỉnh trang nhà cửa. Gian bếp hẹp sực nức hương bánh mứt, dõi theo từng động tác của mẹ, đếm ngược thời gian mong Tết từng ngày. Muốn làm điều gì đó cho con trẻ “có Tết”, gợi không gian và hương vị ngày xưa. Lại lo, liệu chúng có mặn mòi khi thức món quanh năm đủ đầy; hàng Tết bày bán lại sẵn, bắt mắt, chất lượng và phong phú; niềm vui là phương tiện nghe nhìn chứ phải đâu ngồi quanh nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa, nghe tiếng nước sôi đều trong câu chuyện “tổng kết” cuối năm từng thành viên gia đình để rồi rút kinh nghiệm, phát huy, phấn đấu.
Bàn chân lữ khách phương xa chợt muốn quay về chốn cũ, gian nhà mẹ cha, khói hương ông bà trong ba ngày Tết. Không gian quê nhà lất phất mưa xuân, viếng mộ đầu năm gò mả thơm lừng hương khói. Be rượu cầm tay, đến nhà họ tộc thắp hương mừng tuổi ông bà, chúc Tết người thân. Xóm giềng gặp nhau rộn lời chúc tụng, lòng người tất thảy chỉ toàn là niềm vui! Mới phục tài cụ Nguyễn Công Trứ có đôi câu đối tự trào gia cảnh, lại nhằm vào tất cả, cho muôn đời sau: “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.
Còn nhớ bạn bè một thuở cắp sách đến trường. Giờ tóc hoa râm, nét thời gian hằn sâu đuôi mắt mà vẫn hồn nhiên xưng hô tao-mày, câu chuyện trêu đùa quên lo mặc cảm. Tin yêu, hồn nhiên giữ lại mãi mãi, chẳng lụi tàn dù bàn chân đưa cuộc đời đi muôn ngả, hoạ hoằn dịp Tết mới gặp lại nhau. Tuổi đời như bất biến-tuổi học trò, ta cảm ơn người có mộng mơ khao khát, thất bại-thành công, hồn nhiên-giận dỗi… cho thương nhớ khôn nguôi một nẻo về!
Rồi đôi khi thèm nghe những âm thanh quen thuộc, tiếng heo ét, dao thớt rộn ràng mâm cỗ ngày cuối năm. Cỗ cúng tất niên nhà mình năm nay to quá, thật vui! Ta của ngày xưa rưng rưng hay ta của ngày nay sống cùng hoài niệm?
Trong đêm có lúc nằm nghe tiếng thở dài của gió, tiếng thạch sùng tặc lưỡi, ngẫm quy luật đời người, ta dần bước chân về đích. Lòng mình đa cảm. Tháng Chạp nói gì mà ta cứ miên man.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.