Mênh mang hồ Thác Bà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu tìm kiếm một chuyến đi “giải nhiệt” với không khí mát mẻ và những hoạt động thú vị trên mặt nước, bạn có thể đưa hồ Thác Bà (Yên Bái) vào danh sách điểm đến trong hè này. Với hơn 20 nghìn ha lòng hồ cùng hơn 1.300 đảo đá vôi lớn nhỏ, hồ Thác Bà có cảnh thiên nhiên ngoạn mục, được ví như “kỳ quan trên núi”.

Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, cách Hà Nội khoảng 160km. Là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà những năm 60-70 của thế kỷ trước, nay hồ Thác Bà đã trở thành hồ đa mục tiêu khi vừa phục vụ phát điện, vừa cung cấp nước sạch cho người dân, đồng thời là nơi phát triển nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, hồ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bản thân công trình Thủy điện Thác Bà cũng được đưa vào nhiều tour tuyến tham quan để thế hệ sau được chứng kiến và khâm phục thành tựu vĩ đại của lớp người đi trước trong công cuộc xây dựng Tổ quốc.

Dạo chơi bằng tàu thủy trên hồ Thác Bà, bạn sẽ được thỏa thích tận hưởng những cơn gió mát lành, chiêm ngưỡng mặt hồ như tấm gương khổng lồ, lung linh, tĩnh lặng, soi bóng rừng cây bao bọc chung quanh. Mùa hè là mùa mực nước trong hồ giảm, song cũng lộ ra thêm nhiều hòn đảo nhỏ ăm ắp mầu xanh. Với cấu tạo địa chất đặc biệt, hồ Thác Bà cũng ẩn chứa quần thể hang động lớn nhỏ với vô số nhũ đá tự nhiên, có thể khơi gợi tối đa trí tưởng tượng của người quan sát, như động Xuân Long, hang Bạch Xà, Thác Bà, Thác Ông... Nổi tiếng nhất là động Thủy Tiên, nằm giữa lòng hồ, bốn bề ngập nước, dài khoảng 100m, rộng vài chục mét, trong lòng có những nhũ đá lấp lánh, gắn với những truyền thuyết địa phương ly kỳ, huyền ảo.

Cùng với phong cảnh hữu tình, ven hồ Thác Bà còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc Kinh, Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nếu đến vào dịp lễ hội, bạn sẽ có dịp hòa mình với bản sắc văn hóa đậm đà, độc đáo của những nghi lễ, trò chơi, văn nghệ dân gian. Còn vào một ngày bình thường bất kỳ, những nếp nhà giản dị, cuộc sống an yên của cư dân “hồ trên núi” vẫn có thể làm say lòng lữ khách.

Có thể bạn quan tâm

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.