Những ngày gần đây, câu chuyện về cách một người mẹ buông lời “sát thương” khi nhận xét chàng trai tham gia chương trình hẹn hò cùng con gái mình, thể hiện rõ quan điểm “không ưng bụng”, nhận được nhiều sự chú ý từ khán giả.
Nhiều người phát hoảng khi cha mẹ kiểm soát quan hệ yêu đương của con cái - Ảnh minh họa: Getty |
Rất nhiều lý do được người mẹ này đưa ra để giải thích cho việc không chấm được chàng trai, như đi làm 15 năm chưa có sự nghiệp là quá dở, nhỏ tuổi hơn, công việc chưa ổn định, thậm chí tự đưa ra các tiêu chí lựa chọn của mình như "phải đồng tuổi hoặc lớn hơn", hoặc kể về những lần cấm đoán các mối quan hệ của con vì thấy… không phù hợp.
Khi phụ huynh luôn lo lắng
Sau khi xem chương trình, nhiều chàng trai, cô gái "trông người mà nghĩ đến ta". Có những phụ huynh vô cùng tâm lý khi dành cho con không gian, tôn trọng quyết định của con. Tuy nhiên, lại có những người cha, người mẹ luôn cảm thấy con mình quá bé bỏng, và muốn mọi việc trong đời con đều phải được mình đồng ý.
Hầu hết bạn trẻ khi được hỏi "bạn nghĩ vì sao cha mẹ lại khắt khe với nửa kia của con cái" đều có chung câu trả lời. Họ đều hiểu rằng cha mẹ vì thương yêu, muốn bảo bọc con cái, sợ con mình không hạnh phúc.
Tuy hiểu lý do, nhiều người vẫn quan điểm rằng sự quan tâm thái quá, đặc biệt là tìm cách can thiệp quá sâu vào vấn đề tình cảm khiến họ cảm thấy áp lực, ngột ngạt, mất tự do, thậm chí không còn muốn chia sẻ gì với cha mẹ để tránh bị soi xét.
Phương Khanh (28 tuổi) kể về quãng thời gian mệt mỏi khi luôn bị ba mẹ can thiệp vào mọi chuyện chỉ vì vì lo lắng cô gặp phải người không tốt.
"Ba mẹ tôi chỉ yên tâm khi tự chọn lựa người yêu cho tôi. Mẹ tôi thậm chí còn đòi xem tin nhắn của tôi và người bạn trai trước đây, khiến tôi căng thẳng không thể tả. Sau vài lần chia sẻ với ba mẹ về chuyện tình cảm và nhận về toàn những lời chỉ trích, tôi quyết định không nói gì nữa", Khanh kể.
Cô bạn này từng tìm cách nói với mẹ về cảm giác không dễ chịu của mình khi cha mẹ quan tâm quá mức đến chuyện tình cảm riêng, nhưng chỉ nhận về câu trả lời: "Cha mẹ có quyền biết con cái đang làm gì. Không có gì riêng tư hết, lỡ đâu quen bậy bạ thì sao".
Năm nay đã 30 tuổi nhưng vẫn độc thân khiến Thái Ngân cũng thi thoảng bị người lớn "để ý". Tuy nhiên, may mắn hơn, Ngân sinh ra trong gia đình có cha mẹ cởi mở và tôn trọng mọi quyết định của cô.
"Chỉ có đôi lần bị người quen hỏi nhiều quá, hay sau khi đi dự đám cưới về, bố mẹ mình mới hay tìm cách nhắc nhở, nhưng cũng với giọng điệu hài hước chứ không gay gắt", Ngân chia sẻ.
Con có hạnh phúc không?
Nếu như các cô gái chịu nhiều áp lực từ phụ huynh, các bạn nam lại "dễ thở" hơn một chút.
Từ Hoài Vệ (26 tuổi) cho biết cha mẹ mình luôn tâm niệm: "Con thích là được, miễn là con sống hạnh phúc". Vì vậy, Vệ hầu như không bị áp lực từ gia đình, thậm chí có thể gọi điện kể về việc mình đang "crush" cô bạn nào.
"Mình nghĩ cha mẹ có thể góp ý, nhưng quyền quyết định vẫn là của con. Việc can thiệp quá sâu sẽ khiến con không còn sự riêng tư. Thay vì luôn kiểm soát và muốn biết mọi thứ về ‘nửa kia’ của con, mình nghĩ cha mẹ nên hỏi thăm một cách nhẹ nhàng. Như vậy, con cái có thể cảm nhận được sự quan tâm mà không áp lực", Vệ chia sẻ.
Trong khi đó, Huỳnh Trí (29 tuổi) cho biết thi thoảng mẹ anh hỏi sâu vào vấn đề tình cảm. Mỗi lúc như vậy, Trí thường nói rõ với mẹ: "Đó là việc của con, mẹ hãy để con tự lo".
"Cha mẹ nào cũng muốn con cái ổn định, hạnh phúc, thấy con buồn vì chuyện tình cảm cũng sẽ buồn theo, nên thường tìm cách thay con lựa chọn điều tốt nhất. Tuy nhiên, cách làm này khiến con dễ ỷ lại, mất đi chính kiến và cảm thấy bị xâm phạm việc cá nhân", Trí nhận định.
Ngoài ra, việc cha mẹ quá khắt khe với "nửa kia" khiến cho nhiều bạn trẻ ái ngại khi phải giao tiếp, hoặc xa hơn là sống chung nhà sau khi kết hôn.
Phương Khanh cho biết cô từng nghĩ nếu lập gia đình sẽ dọn ra khỏi nhà, và không muốn tiếp tục cảnh sống ngột ngạt dưới thói quen can thiệp của cha mẹ.
Thái Ngân lại hy vọng cha mẹ mình yêu thương và chấp nhận "nửa kia" của mình như một thành viên trong gia đình. Với Ngân, dẫu sao người bạn đời cũng là người đồng hành cùng con cái trong cả quãng đường dài. Vì vậy, cha mẹ nên cởi mở và đừng quá khắt khe.
"Thói quen xét nét, để ý của người lớn thật ra khó tránh, nhưng mình chỉ mong các cha mẹ đừng làm quá để đối phương sợ hãi đến mức từ chối vai trò con rể", cô đùa.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Hội tâm lý học Việt Nam, thương con là bản năng, nhưng nuôi dạy con là cả một nghệ thuật. Có thể vì quá thương nên cha mẹ tự cho mình quyền quyết định, quyền sở hữu đối với con cái. Hãy nhớ, cha mẹ quyết định thay con càng nhiều, con sẽ học được càng ít, càng trở nên thiếu quyết đoán, thiếu bản lĩnh trong cuộc sống. Trong khi đó, cha mẹ không thể sống đời, ở kiếp cùng con cái. "Cha mẹ nào cũng mong con mình được hạnh phúc. Nhưng chuẩn hạnh phúc của người này lại rất khác so với người kia. Mặc dù con do mình sinh ra, mỗi người lại là những cá thể rất riêng, đặc biệt về nhân sinh quan, nhu cầu, hứng thú, xu hướng, động cơ. Cha mẹ chỉ nên giữ vai trò định hướng, quyền quyết định tương lai, cuộc đời, đi đường nào để đến hạnh phúc phải do chính con tự vạch ra và nắm lấy", TS Hoà An chia sẻ. "Đối với những mối quan hệ riêng tư của con, cha mẹ nên thăm dò, đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống để lắng nghe, quan sát xem cách con ứng xử, để từ đó, thấu hiểu, đồng cảm, cùng phân tích và cho con quyền tự quyết trong cuộc sống tình cảm, gia đình, không nên lấy thước đo, áp dụng cái chuẩn của mình để áp đặt lên con cái. Chuyện tình cảm không phải như toán học để 1+1 luôn bằng 2", anh nói. |
Theo Bình Minh (TTO)