Mật heo và những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ mật heo ít người biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không nhiều người biết mật heo là bài thuốc Đông y chữa ho gà, viêm đại tràng, táo bón... rất hiệu quả và dễ sử dụng.
Mật heo là một vị thuốc chữa bệnh của Đông y. Ảnh: Từ Ân
Mật heo là một vị thuốc chữa bệnh của Đông y. Ảnh: Từ Ân
Cách chế biến mật heo
Mật heo là một bộ phận trong cơ thể heo, nằm ở gần gan. Mỗi con heo sẽ có một túi nhỏ chứa mật để giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo.
Theo Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (Huế), mật heo có mùi tanh, vị đắng, tính hàn, không có độc, có tác dụng sát trùng đường ruột, giảm đau, tiêu viêm, trị ho, hen suyễn…
 
Mật heo có tác dụng rất tốt với bệnh viêm đại tràng. Ảnh: Từ Ân
Mật heo có tác dụng rất tốt với bệnh viêm đại tràng. Ảnh: Từ Ân
Bên cạnh đó, mật heo còn giúp kích thích nhu động ruột, thông mật nhờ cholagogue, kích thích mạnh bài tiết mật nhờ choleretic.
Do vậy, mật heo được sử dụng để kích thích đường mật và đường tiêu hóa khi có rối loạn các hệ cơ quan này. Ngoài ra, mật heo còn được dùng trong trường hợp thiểu năng gan và tụy, viêm đại tràng, táo bón...
Cách chế biến mật heo đơn giản nhất là lấy túi mật đem rửa phía ngoài bằng nước muối loãng, sau đó ngâm vào cồn 90 độ chừng vài phút để sát trùng. Cắt túi mật cho mật chảy ra qua lớp vải thưa để lọc. Lấy nước mật đem chưng cách thủy, vừa đun vừa khuấy đều cho đến khi cô đặc thành cao là có thể sử dụng được.
Các bài thuốc chữa bệnh từ mật heo
- Chữa ho gà: Dùng 0,2gr (hoặc nửa đến một muỗng cà phê) cao mật khô để uống ngày 3 lần.
-Trị táo bón và các bệnh về gan mật, đường tiêu hóa: Ngày dùng từ 5 -10 gr cao mật khô để uống.
Hoặc sấy khô cao mật heo, tán thành bột, trộn với tá dược thành các viên khoảng 0,1g. Liều cho người lớn là 6 – 12 viên, chia làm 1 – 2 lần/ngày vào sáng sớm hay buổi tối trước khi ngủ. Nếu bị táo bón nặng, ban đầu có thể dùng liều 20 viên rồi giảm dần xuống.
- Chữa viêm đại tràng: Gọt vỏ và rửa sạch 200g nghệ tươi. Cho nghệ và 500g lá ngải cứu đã rửa sạch vào xay nhuyễn cùng 500ml nước. Rửa 2 túi mật heo tươi với nước muối loãng thật sạch rồi cắt túi mật ra và lọc kỹ mật.
Sau đó trộn hỗn hợp nghệ, ngải cứu, mật heo với 30ml mật ong rồi đun ở lửa nhỏ đến khi cô đặc lại. Vo viên khi hỗn hợp còn dẻo và cho vào hũ thủy tinh, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Uống đều đặn ngày 2 viên vào buổi sáng và tối.
-Chữa bỏng: Trộn hoàng bá với nước mật heo nguyên chất hoặc đã cô đặc, bôi lên vết bỏng.
-Chữa mụn nhọt độc: Trộn nước mật heo với gừng tươi hoặc nghệ tươi, bôi lên vùng bị nhọt.
-Chữa phần mềm bị chấn thương: Trộn nước mật heo với tỏi, củ hành tươi, lá trầu không, lá ớt đã giã, đắp lên vùng bị tổn thương.
- Chữa vết thương ngoài da bị hoại tử: Giã nát 30 g gừng, 30g cỏ nhọ nồi, 30 g nghệ tươi rồi trộn với 20ml rượu 40 độ. Vắt lấy nước rồi hòa với nước mật heo, đun sôi nhỏ lửa đến khi còn khoảng 15ml. Tẩm vào băng gạc rồi đắp lên vết thương 2 – 3 lần/ngày.
Lưu ý khi sử dụng mật heo
Lương y Thích Tuệ Tâm khuyến cáo nên chọn mật heo mới lấy và có nguồn gốc rõ ràng. Nếu thấy túi mật có giun sán hay sạn thì bỏ, không chế biến.
Không lạm dụng dược liệu này vì có thể bị ngộ độc kim loại nặng trong mật heo. Không dùng mật heo cho phụ nữ có thai.
Theo Tường Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm