Các phòng thí nghiệm trên thế giới đang chạy đua nghiên cứu vắcxin ngừa virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp. Dự kiến phải mất sáu tháng để thử nghiệm lâm sàng và mất một năm mới có vắcxin sẵn sàng sử dụng cho người.
Hôm 24-1, Trung Quốc công bố hình ảnh virus viêm phổi cấp 2019-nCov chụp bằng kính hiển vi điện tử - Ảnh: THX |
Ngày 26-1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc thông báo đã phát triển vắcxin ngừa virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp (2019-nCoV).
Các nhóm nghiên cứu ở Mỹ, Úc và Canada
Trước đó tổ chức Liên minh Vì đổi mới về chuẩn bị dịch (CEPI có trụ sở chính ở Na Uy) thông báo CEPI đã quan hệ với ba đối tác để phát triển vắcxin ngừa virus 2019-nCoV.
Ba nhóm nghiên cứu hoạt động riêng rẽ gồm Tập đoàn công nghệ sinh học Inovio Pharma ở Mỹ, Đại học Queensland ở Úc và Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna ở Mỹ hợp tác với Viện Dị ứng và Bệnh nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).
Tiến sĩ Richard Hatchett - Tổng giám đốc CEPI, cho biết dự kiến đến tháng 6-2020 ít nhất sẽ có một loại vắcxin mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng và tối thiểu phải mất một năm mới đưa vắcxin vào sử dụng nơi người.
Đại học Queensland cho biết sẽ áp dụng công nghệ phản ứng nhanh do trường phát triển để điều chế vắcxin ngừa virus 2019-nCoV trong thời gian nhanh nhất là sáu tháng.
Theo tổ chức quốc tế Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI), thời gian đưa vắcxin ngăn ngừa virus 2019-nCoV vào thử nghiệm lâm sàng phải mất nhiều tháng và tối thiểu một năm mới có thể sử dụng điều trị.
Tại Canada, Trung tâm nghiên cứu vắcxin và bệnh nhiễm (VIDO-InterVac) thuộc Đại học Saskatchewan hy vọng sẽ có được kết quả thử nghiệm vắcxin ngừa virus 2019-nCoV trong vài tháng nữa. Trung tâm vừa được Cơ quan Y tế cộng đồng Canada cho phép nghiên cứu phát triển vắcxin này.
Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna ở Mỹ cộng tác với Viện Dị ứng và Bệnh nhiễm quốc gia Mỹ nghiên cứu vắcxin ngừa virus 2019-nCoV - Ảnh: boston25news.com |
Pháp và Bỉ ráo riết nghiên cứu vắcxin
Tại Pháp, giáo sư Bruno Hoen - giám đốc nghiên cứu y học của Viện Pasteur, ghi nhận Pháp đã nghiên cứu vắcxin ngừa virus hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) từ năm 2012-2013 và hiện nay nhiều nhóm nghiên cứu đang sử dụng kết quả nghiên cứu này để phát triển vắcxin ngừa virus 2019-nCoV.
Tại Bỉ, giáo sư Johan Neyts ở Viện nghiên cứu y học Rega (Đại học Công giáo Louvain) cho biết có thể sử dụng vắcxin chống bệnh sốt vàng do đại học này nghiên cứu để ngăn chặn virus 2019-nCoV.
Ông giải thích: "Trước đây chúng tôi đã đưa một vật liệu di truyền mới vào bộ gen bệnh sốt vàng. Điều này đã giúp phát triển vắcxin chống bệnh Ebola và bệnh dại. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng cùng một công nghệ ADN để phát triển một loại vắcxin kép chống bệnh sốt vàng lẫn virus corona".
Sắp tới công nghệ vắcxin kể trên sẽ được thử nghiệm trên vật thí nghiệm. Trong 6-8 tuần, các nhà nghiên cứu sẽ quan sát vắcxin phát triển hệ miễn dịch đủ mạnh nơi chuột, sau đó cần một tháng để xem chúng có tạo kháng thể ngừa virus 2019-nCoV hay không.
Theo giáo sư Johan Neyts, từ nghiên cứu trên chuột đến nghiên cứu trên người sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn với thời gian phải mất một năm.
Rút ngắn thử nghiệm lâm sàng còn ba tháng
Tiến sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh nhiễm quốc gia Mỹ, và giáo sư Catharine Paules ở Đại học bang Pennsylvania giải thích trên tạp chí Journal of the American Medical Association (JAMA) rằng có thể rút ngắn thời gian đưa vắcxin ngừa virus 2019-nCoV vào thử nghiệm lâm sàng nơi người xuống còn ba tháng nhờ tiến bộ công nghệ phát triển từ dịch SARS năm 2003.
Đúng ra toàn bộ quá trình từ thiết lập trình tự gen virus SARS đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một của vắcxin phải mất 20 tháng. Tuy nhiên hiện nay thời gian này đã giảm còn trung bình 3,25 tháng đối với các bệnh nhiễm do virus.
Đối với vắcxin 2019-nCoV, các nhà khoa học dự kiến sử dụng công nghệ vắcxin có nguồn gốc ARN thông tin để rút ngắn thời gian điều chế hơn nữa.
HOÀNG DUY LONG (TTO)