(GLO)- Nạn tảo hôn vẫn âm ỉ xảy ra ở huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai) với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Vấn nạn này không chỉ để lại nhiều hệ lụy nặng nề đối với chính những cặp vợ chồng trẻ mà còn là gánh nặng về kinh tế, giáo dục, y tế.
Lấy chồng từ thuở… 15
Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, anh Rơ Mah Lép (SN 1982, ngụ làng Sát Tâu, xã Ia Pếch) rít một hơi thuốc dài rồi bắt đầu kể cho chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mình. Anh Lép cho biết, khi lập gia đình, anh vừa bước qua tuổi 15, vợ anh lúc đó cũng chỉ mới 14 tuổi. Tới giờ, vợ chồng anh đã có với nhau 6 người con, 2 đứa đầu đã lấy chồng, đứa nhỏ nhất mới 4 tháng tuổi. Hơn 20 năm qua, gia đình anh chưa có một ngày no đủ, cái ăn cái mặc chỉ trông chờ vào 2,5 sào cà phê và tiền công làm thuê thất thường. Và giờ đây, con gái anh là Rơ Châm Hunh cũng đang chuẩn bị lấy chồng khi mới 15 tuổi!
Nén tiếng thở dài, anh Lép bảo: “Biết lấy chồng, lấy vợ sớm là khổ nhưng giờ con mình đòi “bắt chồng” thì cũng phải chiều nó”. Tuy không ngừng than vãn, kể khổ nhưng khi chúng tôi hỏi: “Vợ chồng anh đã có ý định kế hoạch hóa gia đình chưa?” thì anh Lép cười nói: “Vợ chồng mình dự tính sinh khoảng 9 đứa mới thôi”!
Em Puih H'Sinh (bìa phải) làm mẹ khi chỉ mới 15 tuổi. Ảnh: M.T |
Rời nhà anh Lép, chúng tôi đến nhà em Siu Hạnh (16 tuổi, làng O Pếch, xã Ia Pếch). Dáng người nhỏ thó, gương mặt non nớt như một đứa trẻ nhưng Hạnh đã lấy chồng được hơn 1 năm. Đã “bắt chồng” nhưng Hạnh vẫn sống nhờ nhà cha mẹ mình vì không có điều kiện ra riêng. “Em đang học lớp 3 thì nghỉ học. Sau thời gian về làm rẫy cùng gia đình, em quen anh ấy qua mạng xã hội. Nhiều lần nhắn tin qua lại làm quen, em đã “bắt chồng” lúc 15 tuổi. Bạn bè cùng tuổi với em cũng đã nghỉ học và lấy chồng, lấy vợ nhiều rồi”-Hạnh chia sẻ.
Tình trạng “vợ chồng trẻ con” theo kiểu cưới trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn đang diễn ra ở nhiều làng tại xã Ia Pếch. Ông Siu Thunh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch-cho biết, đa số các cặp tảo hôn ở trên địa bàn xã là học sinh các lớp cuối cấp bậc THCS. Nhiều trường hợp các em đang học, bố mẹ ngăn cấm yêu đương thì sử dụng mạng xã hội để làm quen, hẹn hò. Có em dọa tự tử nếu bố mẹ không cho làm đám cưới.
Còn tại xã Ia Dêr, số trường hợp tảo hôn cũng đang tăng đột biến. Nếu năm 2017, toàn xã chỉ có 5 cặp tảo hôn thì đến năm 2018 tăng lên 18 cặp. Để tìm hiểu thêm về tình trạng này, chúng tôi tìm đến nhà chị Puih HNgle (làng Jut 2). Đang dỗ dành đứa bé khóc ngặt nghẽo, chị HNgle cho biết, đứa trẻ này là cháu ngoại của mình, mới hơn 1 tháng tuổi. Đây là kết quả mối tình “học trò” của con gái chị là Puih H'Sinh (SN 2003) với Kpuih Cường (SN 2003, làng Blang 3, xã Ia Dêr). Cả 2 học cùng lớp, vừa hết lớp 9 thì nghỉ học lấy nhau khi chỉ mới 15 tuổi. Do con gái, con rể đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên giờ đây, chị HNgle vừa lo cái ăn cái mặc cho chúng, vừa phải lo cho cả đứa cháu.
Ông Puih Duch-Trưởng thôn Jut 2-cho biết, thông qua các buổi họp dân làng, các tổ chức, đoàn thể của xã, làng đã tích cực vận động cha mẹ quan tâm nhắc nhở con cái, không cho các cháu chưa đủ tuổi lấy nhau nhưng tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra. “Lấy vợ, lấy chồng sớm sẽ kéo theo gánh nặng kinh tế cho cha mẹ vì vừa lo cho con vừa phải lo cho cháu. Nhưng chúng nó yêu nhau rồi bỏ học lấy nhau, không cho thì dọa đủ thứ nên gia đình không ngăn cấm được. Trong làng cũng có 1 cặp vừa lấy nhau, đứa con gái chỉ mới 14 tuổi”-ông Duch nêu thực trạng.
Nhân rộng mô hình giảm thiểu tảo hôn
Theo thống kê của UBND huyện Ia Grai, từ năm 2016 đến 2018, trên địa bàn huyện có 395 cặp tảo hôn, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm đến trên 99%. Riêng năm 2018, toàn huyện phát sinh 117 cặp tảo hôn. Xã Ia O và Ia Pếch có số trường hợp tảo hôn nhiều nhất huyện. Ông Nguyễn Văn Đính-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Ia Grai-cho biết, nguyên nhân tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện còn cao là do ảnh hưởng bởi tập quán lâu đời của người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nhiều hộ còn nghèo; một số gia đình thiếu người làm nên bắt con lấy vợ, lấy chồng sớm để gánh vác công việc.
Mặt khác, do tác động bởi những mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin, giới trẻ dễ dàng tiếp cận phim ảnh, tạp chí không lành mạnh qua internet làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý, dẫn đến tảo hôn. “Việc kết hôn quá sớm của các cặp vợ chồng trẻ dẫn đến con cái cũng bị ảnh hưởng về thể chất, trí tuệ và gặp khó khăn trong việc cấp giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, tảo hôn để lại gánh nặng cho xã hội về kinh tế, giáo dục, y tế”-ông Đính nhận định.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, ông Đính cho rằng: Các hội, đoàn thể các cấp cần tích cực phối hợp với chính quyền vận động người dân thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình; lồng ghép đưa các nội dung chương trình này vào trường học; nhân rộng mô hình giảm thiểu tảo hôn đã thực hiện hiệu quả ở các địa phương. Đặc biệt, hệ thống chính trị địa phương phải vào cuộc quyết liệt, đồng thời có quy định về đánh giá, xếp loại đối với cán bộ, đảng viên có con, em tảo hôn hoặc địa phương để xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể nắm bắt đối tượng tảo hôn để kịp thời tuyên truyền, vận động; đưa vào quy ước, hương ước của các thôn, làng nhằm cam kết không để xảy ra trường hợp tảo hôn.
MINH TRIỀU