Lấy gì để giải cứu bộ phim Ngô Thanh Vân đóng chính chết yểu 17 năm trước?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo chuyên gia Phong Việt, chiến dịch giải cứu "Dòng máu anh hùng" không hề dễ dàng. Thị trường điện ảnh thay đổi quá nhiều, kỳ vọng bộ phim do Ngô Thanh Vân đóng chính từ 17 năm trước thu vài trăm tỷ đồng là bất khả thi.

Những ngày qua, truyền thông quan tâm đến việc đưa Dòng máu anh hùng trở lại, thông qua chiến dịch giải cứu bộ phim được đầu tư 1,5 triệu USD nhưng "chết yểu".

Năm 2007, 27 tỷ đồng để đầu tư Dòng máu anh hùng là con số rất lớn, không phải nhà sản xuất Việt nào cũng dám bỏ ra số tiền như trên để làm phim.

Sau cùng, phim bị lỗ nặng khi chỉ thu khoảng 10 tỷ đồng ngoài phòng vé. Thất bại của "bom tấn Việt" khiến nhà đầu tư phá sản. Đạo diễn Charlie Nguyễn từ bỏ những phần sau của Dòng máu anh hùng, phải mất gần 17 năm để trả nợ.

Gần đây, sau khi trả xong nợ vì thua lỗ, đạo diễn Charlie Nguyễn nói anh sẵn sàng tung bản Redux (phiên bản mở rộng) của Dòng máu anh hùng nếu có cơ hội phát hành lại.

Song, điều đó liệu có khả thi, nhất là giữa lúc điện ảnh Việt ngày càng khó đoán.

Sẽ có phiên bản mở rộng của Dòng máu anh hùng?

Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) 2024, đạo diễn Charlie Nguyễn nói nếu chiếu ở thời điểm hiện tại, Dòng máu anh hùng cần đạt mức 200 tỷ đồng mới hòa vốn.

Đạo diễn cho biết anh sẵn sàng tung phiên bản Redux (phiên bản mở rộng) của Dòng máu anh hùng nếu có cơ hội phát hành lại.

Charlie Nguyễn nói thêm rằng anh có 5 kịch bản Dòng máu anh hùng phần hai. Phim vẫn thuần võ thuật, có thêm màu sắc chiến tranh, có nhiều đại cảnh trên sông nước miền Tây.

Tuy nhiên, anh vẫn thực tế hơn so với năm 2007, nghĩa là "viết vì thích, thành hay không còn nhiều yếu tố".

Sau những chia sẻ của Charlie Nguyễn, truyền thông xuất hiện chiến dịch tạm gọi là "giải cứu Dòng máu anh hùng".

Theo chuyên gia Lê Hồng Lâm, lời hứa hẹn của Charlie Nguyễn như "phát pháo", "màn trở lại tuyệt vời" của Dòng máu anh hùng. Để bản Redus trở lại rạp chiếu, điều cần thiết là hình ảnh, âm nhạc phải hoành tráng.

Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trong buổi ra mắt Dòng máu anh hùng từ 17 năm trước.

Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trong buổi ra mắt Dòng máu anh hùng từ 17 năm trước.

"Khán giả sẽ đổ xô ra rạp nhờ truyền miệng mà không cần quảng bá rầm rộ. Phim sẽ thu hút được khán giả cũ (xem để hoài niệm) và khán giả mới (xem để được tự hào khí phách người Việt", Lê Hồng Lâm nói.

Lê Hồng Lâm cho biết chiến dịch giải cứu Dòng máu anh hùng vừa khởi động nhận được nhiều sự cổ vũ từ người trong nghề lẫn khán giả. "Có quá nhiều lời cổ vũ qua phần tương tác và những tin nhắn cho chiến dịch đưa Dòng máu anh hùng trở lại rạp chiếu sau 17 năm. Tôi hối thúc cha đẻ của bộ phim không gì ngoài lý do yêu bộ phim này và muốn nó được ghi nhận xứng đáng hơn bằng cách lan tỏa", Lê Hồng Lâm chia sẻ thêm.

Dưới phần bình luận, nhiều người ủng hộ việc đưa Dòng máu anh hùng trở lại. Có khán giả hoài niệm thời ra rạp xem phim chỉ với giá 40.000 đồng. Có người cho rằng phim hoành tráng, nhưng thói quen ra rạp của khán giả thời điểm đó không được như hiện tại.

"Tôi đi xem từ lúc phim mới ra mắt, cảm giác rất tuyệt khi đón nhận phim Việt, nhưng rồi hụt hẫng vì lượng khán giả hơi ít, sau lại còn ít hơn", một khán giả đưa ý kiến.

Người xem khác cho ý kiến Dòng máu anh hùng được khán giả ủng hộ, nhưng chưa chắc có thể thành công khi ra rạp. "Vẫn phải có chiến dịch PR bài bản, ví dụ như redux cần làm mới bằng AI... Điều mong muốn là bản redux trở lại thành công", khán giả khác nêu ý kiến.

Không dễ để giải cứu Dòng máu anh hùng

Năm 2007, những bộ phim ra rạp cùng thời điểm với Dòng máu anh hùng có doanh thu tương tự, có thể kể đến là Áo lụa Hà Đông khoảng 4 tỷ đồng, Trai nhảy thu 9 tỷ đồng, Chuông reo là bắn thu 7 tỷ đồng. Nổi bật trong số đó là Võ lâm truyền kỳ có doanh 13 tỷ đồng.

Theo chuyên gia, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, có thể nói 10 tỷ đồng của Dòng máu anh hùng lúc đó thuộc vào nhóm "không tệ", cái sai là ê-kíp sản xuất đánh giá không đúng thị trường vào thời điểm đó.

"Lúc đó thị trường có quy mô rất nhỏ, cả về số lượng cụm rạp cũng như khán giả ra rạp. Dù đầu tư đến 1,5 triệu USD, tình huống thua lỗ vẫn là điều đương nhiên. Dù ghi nhận việc nhà sản xuất muốn làm bộ phim tốt, hoành tráng và nghiêm túc, nhưng rõ ràng đó là bài toán có thể nhìn thấy trước", chuyên gia nhận định.

Nhà phê bình cho rằng thị trường vào thời điểm đó quá nhỏ, những nhà làm phim biết cảnh đầu tư để phim của họ không thua lỗ, nếu có cũng không quá nhiều.

Về việc Charlie Nguyễn có dự định chiếu lại Dòng máu anh hùng, nhà phê bình Phong Việt cho rằng vào năm 2024, bộ phim ra mắt từ năm 2007 chưa chắc thu hút được khán giả trẻ, khi họ có cơ hội tiếp cận nhiều tác phẩm lớn trong và ngoài nước.

Ngô Thanh Vân trong Dòng máu anh hùng.

Ngô Thanh Vân trong Dòng máu anh hùng.

"Khán giả có thể chú ý Dòng máu anh hùng, nhưng tôi nghĩ sự trầm trồ của giới trẻ dành cho bộ phim không nhiều. Nếu chiếu lại, đó có thể là sự tri ân tác phẩm được ê-kíp tâm huyết, đầu tư cao", ông Phong Việt nhận định.

Chuyên gia cho biết bản redux khi ra rạp liên quan đến công tác PR, marketing tốn kém. Nhà sản xuất phải là người bỏ tiền ra, không thể trông chờ vào nhà rạp.

Về câu nói Dòng máu anh hùng nếu chiếu ở thời điểm này "phải thu 200 tỷ đồng mới hòa vốn" của Charlie Nguyễn, nhà phê bình Phong Việt cho rằng nhiều người đang hiểu sai ý của đạo diễn.

"Theo ý của anh Charlie Nguyễn, ngày xưa đầu tư khoảng 1,5 triệu USD, thì ngày nay con số đó có thể là 15 triệu USD. Tức là nếu làm Dòng máu anh hùng vào thời điểm này thì thu 200 tỷ đồng mới hòa vốn, không phải mang bộ phim chiếu lại mong được 200 tỷ đồng", chuyên gia nhận định.

Nhà phê bình đồng thời cho rằng với thị trường ngày nay, nghiêm túc thì Charlie Nguyễn rất khó làm được bộ phim có doanh thu 200 tỷ đồng, kể cả Ngô Thanh Vân cũng rất khó để tạo ra bộ phim thu vài trăm tỷ đồng.

"Như tôi đã nói, nếu gọi là khích lệ tinh thần và chia sẻ ký ức đẹp, Dòng máu anh hùng là một trong những bom tấn điện ảnh Việt đời đầu. Nhưng để phim thu vài trăm tỷ đồng, thành công để gọi là bom tấn thời nay thì rất khó", ông nói thêm.

Về chuyện nhiều ý kiến trên mạng đồng tình, ủng hộ chiến dịch "giải cứu Dòng máu anh hùng", nhà phê bình Phong Việt cho rằng khoảng cách giữa mạng và đời thực có khoảng cách rất xa.

"Để bán được vé là câu chuyện hoàn toàn khác, vì khi Dòng máu anh hùng ra rạp, rất nhiều phim mới, thậm chí đạo diễn lớn cũng xuất hiện. Và với bộ phim đã ra rạp rồi, có trên mạng từ rất lâu rồi, chúng ta không thể kỳ vọng quá nhiều", chuyên gia nhận định.

Nhà phê bình Phong Việt cũng cho rằng việc chiếu lại một tác phẩm nhằm "gỡ gạc doanh thu" là điều khó khả thi. Trước đó, một số phim phải rời rạp, gần nhất là Sáng đèn (rời rạp mùa Tết và chiếu lại vào tháng 3, doanh thu chỉ khoảng 3,4 tỷ đồng). Điều đặc biệt hơn ở Dòng máu anh hùng là thời gian chiếu lại có thể cách đến 17 năm, khiến khán giả bàn luận nhiều hơn một chút.

Đặt vấn đề Dòng máu anh hùng chiếu lại có thắng hay không, nhà phê bình cho rằng "rất khó".

"Ngay từ đầu ra rạp, phim đã không thể tạo tiếng vang về doanh thu. Và khi ta không hài lòng, mang chiếu lại và kỳ vọng nó bùng nổ là điều rất khó. Khi mà ra rạp, đó là cuộc chơi liên quan đến tiền, tiềm lực để có suất chiếu đẹp cạnh tranh với những tác phẩm hay khác ra rạp cùng thời điểm. Đó vẫn là cuộc chơi của thị trường", chuyên gia khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Rapper Việt bị đè bẹp

Rapper Việt bị đè bẹp

Một năm qua, rap trên thị trường nhạc Việt vượt trội về số lượng sản phẩm và những dự án quy mô lớn như EP, album và mixtape. Dù vậy, so với các năm trước, rap đã giảm nhiệt.