Kỳ lạ: Quả dứa rừng to như trái mít, không bổ dưỡng, chữa được bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày nắng nóng, nhiều hộ đồng bào Thái, Dao, Nùng… trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rất chuộng uống nước nấu từ quả dứa rừng để giải nhiệt cơ thể. Mặc dù không có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng loại quả này được đồng bào xem là vị thuốc quý của núi rừng vì nó có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, giúp chữa nhiều bệnh khác nhau.
Dứa rừng hay còn gọi là dứa dại, dứa gỗ, dứa gai. Tên khoa học là Pandanus tectorius Sol, thuộc họ dứa Pandanaceae. Cây mọc hoang ở bờ suối, những nơi sình trũng, cao từ 1 – 2m. Lá dài, có gai cực kỳ sắc như gai trên mắt dứa. Quả dứa rừng to, màu xanh, khi chín đổi màu vàng.
 
Quả dứa rừng.
Theo khoa học nghiên cứu, trong cây dứa rừng có chứa nhiều dược chất khác nhau như: lá chứa 70% tinh dầu Methyl ether của phenylethyl alcohol, resveratrol. Hoa nở chứa 0,1 - 0,3% tinh dầu. Quả và rễ chứa benzyl benzoate, benzyl salicylate, benzyl acetate, benzyl alcohol, silymarin, geraniol, linalool, linalyl acetate, bromostyren, guaiaco,l phenylethyl alcohol và aldehyd…
Theo Đông y, đọt, lá, rễ, quả của cây dứa rừng đều có thể dùng làm thuốc. Trong đó, quả dứa có vị ngọt, tính mát; có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm, mát gan, giải độc, thải sỏi, tiểu đường… Nước dứa hỗ trợ điều trị cảm nắng, say nắng, giúp thần kinh êm dịu.
 
 Dứa rừng được ngâm rượu cùng một số dược liệu khác để bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ trị kiết lỵ, tiêu đờm, sỏi thận…
Gia đình bà Bùi Thị Minh, dân tộc Thái ở thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) là một trong những hộ thường săn tìm dứa rừng. Theo bà Minh, mùa dứa rừng trên địa bàn tỉnh thường bắt đầu sau Tết Nguyên đán, khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 âm lịch.
Trước đây, dứa mọc hoang và không mấy ai để ý, nhưng những năm gần đây, nhiều người dân tìm mua dứa rừng để chữa bệnh nên gia đình bà còn bán quả dứa rừng tươi, khô và sản phẩm đã ngâm rượu thuốc.
Dứa rừng sau khi hái về được vệ sinh thật sạch phần bụi phấn màu trắng bên ngoài vỏ, tách từng mắt nhỏ ra rồi đem phơi khô, sao vàng. Lúc này, sản phẩm có thể được ngâm rượu hoặc nấu nước uống. Riêng quả dứa rừng tươi khi người dân có nhu cầu mua sẽ được bán với giá 30.000 đồng/kg.
 
Dứa rừng được tách từng múi rồi phơi khô, bảo quản dùng quanh năm.
Khác với các loại dứa thường, dứa rừng có cấu trúc từng múi bên trong. Trọng lượng của dứa rừng thường từ 0,6 - 1,5kg/trái. Dứa rừng được hái tốt nhất khi quả già, mắt nứt, vỏ sậm màu và cứng. Quả dứa rừng non, xanh thì dược tính thấp. Nếu để quả chín quá thì khó phơi khô do lượng axit chua dễ lên men và lượng nước cao trong múi dứa gây ẩm, nhanh mốc.
Dứa rừng tươi, đặc biệt dứa chín thường được nấu nước uống thay cho nước trà. Dứa chín có mùi thơm nhẹ, vị ngọt nên nước nấu ra rất ngon, dễ uống. Những khi vào mùa dứa, đồng bào săn tìm được nhiều sẽ đem tách múi, phơi khô, để dành dùng dần.

Theo kinh nghiệm của người Dao, dứa rừng tuy tốt nhưng lại có nhiều độc tố có hại cho sức khoẻ ở phần phấn trắng trên quả hoặc khi chế biến, sử dụng không đúng cách. Nếu ăn quả tươi có thể gây ngứa đầu lưỡi với những người không quen, không hay ăn. Đặc biệt, dứa rừng phát huy công dụng tốt nhất khi phối hợp với các vị thuốc, dược liệu khác. Vì vậy, mọi người không nên sử dụng tùy tiện mà cần tham khảo ý kiến thầy thuốc, bác sĩ.

Dân Việt (Theo H'Mai/Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm