Kỳ 2: Từ nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trước xu thế ấy, những người trẻ ở Gia Lai cũng đã nhanh chóng tiếp cận và mạnh dạn thử sức. Nhiều người trong số họ đã tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào trồng trọt để đem lại hiệu quả thiết thực.
Nông nghiệp trong nhà kính
Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Hoàng Văn Anh (làng Ia Sik, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) khi anh đang chuẩn bị thu hoạch. Vườn dưa lưới rộng 0,5 sào, nằm sát với vườn của 4 hộ khác.
Cách đây khoảng 3 tháng, 5 hộ ở làng Ia Sik cùng nhau đầu tư nhà kính để trồng dưa lưới. Đây là mô hình 2 anh Hoàng Văn Anh và Phan Văn Thế học hỏi được sau gần 2 năm làm việc trong một nông trại ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Anh Hoàng Văn Anh chia sẻ: “Dưa lưới hiện là mặt hàng có giá khá cao, thị trường tiêu thụ rộng. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở quê mình thích hợp nên tôi cùng một vài anh em lên ý tưởng thực hiện mô hình này”.
Bằng những kinh nghiệm sẵn có, 2 anh tỉ mỉ hướng dẫn mọi người quy cách làm nhà kính thích hợp cho cây dưa lưới phát triển. Tiếp đến là khâu xử lý đất, cách phân chia tỷ lệ phân chuồng và các loại dưỡng chất cần thiết khác.
Anh Thế cho hay: “Dưa lưới trồng khoảng 70-75 ngày thì cho thu hoạch. Tùy vào loại giống mà quả đạt trọng lượng 1-2 kg. Đặc biệt, dưa lưới thích hợp với khí hậu nắng nóng. Trồng trong nhà kính giúp tăng lượng nhiệt cũng như hạn chế các loại côn trùng gây hại. Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước mà vẫn cấp đủ độ ẩm cho cây”.
So với các loại cây công nghiệp lâu năm thì trồng dưa lưới đỡ tốn công, tiết kiệm thời gian. Một năm có thể trồng được 2-3 vụ dưa, thu nhập 80-90 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-nhận định: “Ia Nhin có khí hậu nắng nóng, phù hợp với dưa lưới. Huyện sẽ hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật để người dân tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới”.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Phan Văn Thế (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh). Ảnh: Phương Linh
Mô hình trồng dưa lưới của anh Phan Văn Thế (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh). Ảnh: Phương Linh
Cũng đam mê sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, năm 2019, chị Phạm Thị Mơ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng nhà màng diện tích hơn 1.200 m2 trồng cà chua và dưa leo theo hướng bán thủy canh. Theo chị Mơ, hệ thống nhà màng khép kín sẽ hạn chế ảnh hưởng của thời tiết lên cây trồng. Người trồng cũng có thể chủ động điều chỉnh nhiệt độ, tăng độ ẩm để cây phát triển.
Để đảm bảo chất lượng nguồn giống, chị Mơ trực tiếp đến đại lý của Công ty Hạt giống Đồng Tâm (TP. Hồ Chí Minh) đặt hàng. Nhà vườn trồng cà chua cherry đỏ và vàng, dưa leo Aiko của Nhật Bản. Đây là những sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng.
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng cà chua trong nhà màng của chị Phạm Thị Mơ (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Phan Lài
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng cà chua trong nhà màng của chị Phạm Thị Mơ (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: Phan Lài
Anh Nguyễn Tấn Công-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai: “Câu lạc bộ hiện có hơn 3.500 thành viên tham gia online, nhiều mô hình được đầu tư quy mô, hiệu quả cao. Các thành viên đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Đó chính là ưu thế của những bạn trẻ khi khởi nghiệp, bởi họ có sự năng động, quyết tâm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn hạn chế, sản xuất không theo quy hoạch gây khó khăn cho việc liên kết và đầu tư phát triển quy mô lớn. Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao “dễ mà không dễ”, nhưng dám đương đầu với thử thách, nếu có quyết tâm các bạn sẽ thành công”.
Mỗi cây cà chua được trồng trong 1 bầu và có hệ thống tưới tự động theo công nghệ Israel nên đảm bảo cung cấp nước thường xuyên, chất dinh dưỡng được pha sẵn, cứ 1 giờ sẽ tưới 1 lần, mỗi lần 5 phút.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, cây trồng phát triển nhanh; khi có tua cuốn thì được treo lên từng sợi dây nối với hệ thống khung giàn cố định; chỉ cần uốn ở phần gốc thì cây vẫn sinh trưởng tốt mà không chiếm nhiều không gian. Những loại cây này cho thu hoạch sau 85-90 ngày xuống giống.
Đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng
Phần lớn những người “bén duyên” với nông nghiệp công nghệ cao ít nhiều đều gặp phải những khó khăn nhất định về nguồn vốn lớn để đầu tư trang-thiết bị, hệ thống tưới nước tự động, giá thể... Bên cạnh đó, quá trình sản xuất phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, tuyệt đối không được sử dụng các chất hóa học. Để đảm bảo chất lượng, các chủ vườn cà chua, dưa lưới đều tự ươm cây giống, xử lý kỹ thuật khi cây non vừa nảy mầm, đảm bảo cây giống trước khi đưa ra trồng đạt chất lượng tốt nhất; phân bón cũng phải đảm bảo chất lượng.
Thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn ở việc tìm đầu ra vì giá thành sản phẩm khá cao. Nhờ quy trình chăm sóc chặt chẽ, tưới nước và bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ nên cà chua, dưa leo ở vườn của chị Mơ cho năng suất cao, quả đều, màu đẹp.
Khi thu hoạch sản phẩm, chị thường giữ nguyên phần cuống cho sản phẩm luôn tươi ngon và cũng là để khách phân biệt với những loại sản phẩm khác. Khách hàng có thể hái quả ăn trực tiếp mà không sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi ngày, nhà vườn thu hoạch 10 kg cà chua cherry vàng và đỏ, 10 kg dưa Aiko. Hiện tại, dưa leo Aiko được bán với giá 30.000 đồng/kg, cà chua cherry đỏ có giá 50.000 đồng/kg; cà chua cherry vàng là 90.000 đồng/kg.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi khởi nghiệp mới, được nhiều bạn trẻ quan tâm. Ảnh Phan Lài.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi khởi nghiệp mới, được nhiều bạn trẻ quan tâm. Ảnh: Phan Lài
Để tiêu thụ nông sản, chị Mơ giới thiệu sản phẩm theo hình thức online, đưa sản phẩm vào cửa hàng thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, chị tạo điều kiện để khách hàng đến du lịch trải nghiệm tại nhà vườn. Tại đây, khách có thể tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc, bón phân, tuân thủ quy định sản xuất khắt khe để cho ra những sản phẩm chất lượng.
Song song đó, khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật thì chị Mơ sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn sản xuất theo hướng công nghệ cao. Trung bình mỗi tháng, mô hình kinh tế này đem lại cho gia đình chị Mơ nguồn thu hơn 30 triệu đồng. “Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng để những sản phẩm của nhà vườn được truy xuất bằng mã vạch, khách hàng có thể biết chi tiết về sản phẩm”-chị Mơ cho biết.
Hướng đi đúng đắn mà mô hình trồng dưa lưới của anh Hoàng Văn Anh làm được đó là liên kết để phát triển sản xuất. Bởi muốn đứng vững trên thị trường thì sản phẩm phải độc đáo, có dấu ấn riêng. Khi có nhiều mô hình tương tự thì đòi hỏi phải liên kết với nhau cùng khởi nghiệp. Để theo đuổi mô hình này, anh Hoàng Văn Anh đã ký hợp đồng thu mua với 1 công ty tại tỉnh Bình Dương nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm dưa lưới.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với những bạn trẻ có cùng đam mê để mở rộng quy mô sản xuất, lên kế hoạch chi tiết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tham vọng hơn, chúng tôi muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị để nâng cao uy tín của sản phẩm. Bởi phần lớn các sản phẩm dưa lưới ở siêu thị đều có xuất xứ từ các tỉnh khác”-anh Hoàng Văn Anh cho biết.
PHAN LÀI-PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.