Krông Pa: Nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), nhiều đoàn viên, thanh niên đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Họ cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm để mọi người phát triển kinh tế gia đình.
 


Tiên phong thử nghiệm

Năm 2018, anh Hà Trọng Phú (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) trồng thử nghiệm cây bí đỏ trên diện tích hơn 2 ha của gia đình. Theo anh Phú, ưu điểm của bí đỏ là dễ trồng, không tốn nhiều công lao động, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn.

2 Anh Hà Trọng Phú (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) chia sẻ về cách trồng bí đỏ cho năng suất cao-Ảnh Vũ Chi
Anh Hà Trọng Phú (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) chia sẻ về cách trồng bí đỏ cho năng suất cao. Ảnh: Vũ Chi


Vụ đầu tiên, anh Phú trồng loại bí quả tròn, năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha. Với giá bán 3.000 đồng/kg, anh thu về hơn 80 triệu đồng. Sau khi có kinh nghiệm từ thị trường tiêu thụ, vụ tiếp theo, anh Phú chuyển sang giống bí quả dài, nâng cao năng suất lên khoảng 17-18 tấn/ha. Anh cho biết: “Giá bí đỏ dài thường dao động trong khoảng 4.500-6.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 7.500 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng lãi 20-40 triệu đồng/ha”.

Xác định hướng canh tác lâu dài, năm 2019, anh Phú quyết định đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ vậy, anh vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, vừa giảm chi phí đầu tư, nhân công mà năng suất tăng cao. Với khí hậu nắng nóng đặc trưng, mỗi năm, anh Phú trồng 2 vụ bí đỏ vào tháng 10 và tháng 4 Âm lịch. Hiện tại, anh đã xây dựng mối liên kết với thương lái các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh nên đầu ra luôn đảm bảo.

Tại buôn Ia Hly (xã Krông Năng), anh Ksor Leng cũng mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất sản xuất sang chăn nuôi dê. Anh chia sẻ: “Trước đây, mình trồng mì nhưng thường bị thối củ nên thu nhập bấp bênh. Đầu năm 2019, mình quyết định đầu tư làm chuồng, mua 30 con dê cỏ và dê Bách Thảo để nuôi thử nghiệm”.

Do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê bị bệnh và chết nhiều. Qua tìm hiểu kiến thức trên mạng internet và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho dê. Nhờ vậy, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập khá. Sau 2 năm, đàn dê đã tăng lên hơn 70 con, anh đã bán 20 con, hiện duy trì trên 50 con tại chuồng. Thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư trồng cỏ và vay thêm vốn để tăng đàn.

Anh Ksor Leng (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) chăm sóc đàn dê của gia đình Ảnh: Vũ Chi
Anh Ksor Leng (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Vũ Chi


Chia sẻ kinh nghiệm

Từ thành công của bản thân, anh Phú, anh Leng mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn để cùng nhau phát triển sản xuất. Học tập kinh nghiệm từ anh Phú, thôn Sông Ba có 7 hộ trồng bí đỏ với tổng diện tích gần 20 ha.

Chị Bùi Thị Hiền vui mừng cho biết: “Trước đây, tôi thường trồng mì. 2 năm trở lại đây, cây mì bị bệnh khảm lá nên năng suất giảm, ảnh hưởng đến thu nhập. Thấy anh Phú trồng bí đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã nhờ anh chia sẻ kinh nghiệm, mua giống về trồng và được giới thiệu đầu mối tiêu thụ. Năng suất bí đỏ đạt 18 tấn/ha. Với giá bán 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 30 triệu đồng. Vụ tới, tôi sẽ mở rộng diện tích lên 2 ha”.

Anh Phú chia sẻ thêm: “Một người bán không thể tạo thành chợ, nhưng nhiều người thì chợ sẽ hình thành, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ dễ dàng hơn. Chính vì vậy, tôi không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng làm để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”. Nói về dự định trong thời gian tới, anh Phú cho biết, ngoài mở rộng diện tích trồng bí đỏ lên khoảng 4 ha, anh sẽ ra tỉnh Nghệ An học hỏi kinh nghiệm trồng hoa hướng dương lấy hạt.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi dê, anh Alê Ngăk-Bí thư Đoàn xã Krông Năng-cho hay: Từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản của anh Leng, Ban Chấp hành Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ai có nhu cầu mua giống, anh Leng có thể bán trả góp và hướng dẫn kỹ thuật. Địa bàn xã rộng, nguồn thức ăn phong phú sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình chăn nuôi dê trong thời gian tới.

Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Đức Tâm-Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa-cho biết: Từ các phong trào thanh niên khởi nghiệp, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Đoàn thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan, học hỏi các mô hình hay, hiệu quả, có tính ứng dụng cao để áp dụng vào điều kiện gia đình và địa phương. Thời gian tới, Huyện Đoàn tăng cường phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập.

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.