(GLO)- Chuyến xe khách duy nhất trong ngày từ Pleiku đến Krông Pa xuất bến lúc 6 giờ sáng. Vượt những đèo Chư Sê, Tô Na quanh co, khúc khuỷu. Vượt sông Ba bằng chiếc cầu gỗ đơn sơ.
Vượt nhiều đoạn đường đất trơn trượt, nhiều đoạn lởm chởm đá hộc. Chiếc xe rung lên lọc xọc chầm chậm chạy dọc quốc lộ 25, chạy giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió. Lướt qua những mái nhà sàn thưa thớt ven đường. Bỏ lại sau lưng những bà mẹ Jrai chân đất lưng trần địu con, đeo gùi lên nương rẫy cùng những đứa trẻ yên ngoan nằm sau lưng mẹ mà chẳng mũ nón che đầu... Hai giờ chiều, xe về đến bến cuối cùng. Hành khách từ già đến trẻ phờ phạc dưới cái nắng như thiêu của chảo lửa giữa mùa khô. Quần áo, đầu tóc, lông mi, lông mày của tất cả mọi người đều phủ trắng bụi đường...
Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Ảnh: K.N.B |
Ấy là chuyến xe vào một ngày cuối năm của đúng 20 năm về trước. Chuyến xe đưa cô giáo trẻ miền xa là tôi đến với miền đất khát Krông Pa sau hành trình dài hơn một ngàn km. Khi ấy thị trấn nhỏ vùng xa heo hút vẫn thưa vắng người và rất ít những ngôi nhà xây kiên cố. Đường nội thị chỉ có một vài đoạn gần ngã ba tam giác (thuộc đường Hùng Vương, Thống Nhất) là được trải nhựa. Các con đường còn lại vẫn là đường đất hoặc ổ voi, ổ gà lồi lõm hoặc lầy cát với chỉ một lối mòn nhỏ vừa đủ bước chân người.
Tôi được phân về giảng dạy ở một trường gần trung tâm thị trấn. Ngôi trường khang trang được xây dựng kiên cố trên đỉnh ngọn đồi mênh mông nắng gió. Căn phòng của tôi nằm ở cuối dãy khu nội trú học sinh vẻn vẹn hơn 10 m2, nắng thì như đổ lửa mà mưa thì dột ướt hết cả quần áo, đồ dùng. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Khi ấy, chỉ củi là sẵn, còn điện và nước thì phải sử dụng vô cùng tiết kiệm. Nguồn điện cả thị trấn dùng được cung cấp từ chiếc máy phát điện do Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm tặng huyện. Nhà trường tiết kiệm tối đa chỉ dùng đến 22 giờ, mặc dù cái nóng ở chảo lửa vô cùng khắc nghiệt. Nước sinh hoạt rất khan hiếm. Nước dùng hàng ngày của học sinh và giáo viên trong khu tập thể được mua từ 2 chiếc xe cọc cạch trực tiếp hút từ sông. Mà nước ấy cũng chủ yếu để phục vụ việc nấu nướng và sinh hoạt của các em buổi sáng. Còn tắm giặt phải trực tiếp xuống sông. Vì vậy, những ngày mưa, thùng, thạp, âu, chậu… được huy động để hứng những giọt nước trời mà quý như lấy được vàng.
Điều kiện sinh hoạt đã khó khăn, đồng lương giáo viên cũng ít ỏi.
Để cải thiện đời sống, nhiều thầy cô phải làm thêm nhiều công việc. Từ chăn nuôi heo gà, đến trồng mì, trồng bắp. Từ cuốc cỏ mì, đến hái thuốc lá thuê. Nhiều người khá hơn thì trữ mì, trữ mè hoặc gửi nuôi bò, nuôi dê lấy giẽ. Tôi cũng phải oằn mình kiếm sống. Tôi dạy ngày dạy đêm, dạy phổ thông, dạy bổ túc. Đêm về, ru con nhỏ ngủ rồi chong đèn ngồi soạn bài có khi gần đến sáng.
Vài năm sau, trường được chuyển đến cơ sở mới. Lớp học và khu ký túc xá học sinh khang trang, tiện nghi tạm ổn. Điện, nước phục vụ sinh hoạt của các em cơ bản được đáp ứng. Cùng với nhiều chính sách ưu đãi, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển. Đời sống nhân dân nói chung và đời sống giáo viên theo đó cũng được cải thiện và từng bước nâng lên. Bộ mặt thị trấn đã có nhiều đổi khác. Những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên. Không chỉ các tuyến đường liên huyện, mà những tuyến đường liên xã, liên thôn cũng được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Các chuyến xe chở khách lưu thông liên tục trong ngày nối gần khoảng cách từ Krông Pa đến Phố núi Pleiku hoặc Phố biển Tuy Hòa.
Chiều nay, một chiều tháng tư, sau trận mưa đầu báo hiệu mùa khô cao nguyên sắp kết thúc, nắng đã dịu hơn. Hoa lá lại tỏa hương khoe sắc. Nhưng cô giáo trẻ nhất trường ngày nào giờ không còn trẻ nữa. Vậy mà lại thấy lòng rộn vui khi nhìn lại ngôi trường 20 năm gắn bó, bao thế hệ học sinh đã trưởng thành nhờ công sức vun trồng của nhiều thế hệ thầy cô giáo.
Một mùa thi mới lại sắp bắt đầu. Ngước lên bầu trời xanh thẳm, những làn mây trắng lững lờ trôi, tôi mỉm cười nghĩ tới những chuyến đò trong hành trình sắp đến...
Sen Hạ