(GLO)- Trên cơ sở tổ chức lại hình thức sản xuất theo tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (có hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012), huyện Kông Chro đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thành lập các HTX trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện mới có 1 HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ phân bón và tiêu thụ sản phẩm nông sản tại xã Sró. Các xã còn lại chưa có HTX. Mục tiêu phấn đấu là đến cuối năm 2018, huyện sẽ thành lập 3 HTX nông nghiệp tại 3 xã điểm gồm: Kông Yang, Yang Nam, Đak Kơ Ning; đến năm 2022, các xã trên địa bàn huyện đều có HTX.
Thu hoạch mía. Ảnh: L.N |
Yang Nam là một trong 3 xã được huyện Kông Chro chọn làm điểm trong triển khai xây dựng HTX nông nghiệp. Dưới sự giúp đỡ của ngành chuyên môn huyện, xã đã xây dựng các văn bản theo quy định và tổ chức đánh giá lại tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích khi tham gia HTX. Ông Trần Xuân Thủy (xã Yang Nam) cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc thành lập HTX vì nó mang lại nhiều lợi ích, sản phẩm của nông dân làm ra được bao tiêu; nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật tiên tiến; xã viên HTX được hỗ trợ tín dụng để sản xuất kinh doanh.
Song bên cạnh đó, một số hộ lại không muốn tham gia nên việc thành lập HTX cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của xã Yang Nam hiện mới chỉ vận động được 7 hội viên. Nguyên nhân là do bà con chưa am hiểu và nhận thức đầy đủ về cơ chế hoạt động của mô hình và lợi ích khi tham gia, không muốn bị ràng buộc trong buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trước khó khăn đó, địa phương đã tìm các giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Hữu Thức-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Nam nói: “Trước mắt, chúng tôi vận động những hộ người Kinh đang sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã tham gia HTX và đã vận động được 7 hộ. Sau đó, chúng tôi tiếp tục mời các hộ khác lên tuyên truyền rõ chủ trương, mục đích của việc thành lập HTX và phân tích những cái lợi trước mắt cũng như lâu dài khi các hộ dân tham gia HTX để người dân hiểu và đồng thuận”.
Ở phương diện khác, việc thành lập HTX được giao trực tiếp cho các xã phụ trách, từ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nên các địa phương gặp không ít lúng túng về thủ tục liên quan. Mặt khác, Kông Chro là huyện vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, tập quán sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ nên người dân cũng không mặn mà tham gia tổ, nhóm hợp tác sản xuất. Hiện ngành chuyên môn của huyện đang tích cực hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thành lập các HTX nông nghiệp trên địa bàn theo kế hoạch. Ông Nguyễn Duy Tùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Kông Chro, cho biết: Phòng đã phối hợp với Phòng Tài chính hướng dẫn cụ thể để các địa phương thành lập Ban vận động thành lập HTX.
Về cơ chế chính sách thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các HTX trên địa bàn hoạt động thuận lợi. Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ xuống xã giúp thành lập tổ tư vấn xây dựng nông thôn mới và thành lập Ban vận động thành lập HTX. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như các hộ có nhu cầu hợp tác với nhau trong kinh doanh dịch vụ do chưa hiểu rõ về hoạt động của HTX nên chưa mặn mà tham gia; các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa thống nhất thành lập HTX; cán bộ chủ chốt ở các xã chưa nắm rõ và chưa thực sự quan tâm vận động nhân dân tham gia HTX...
Với một huyện thuần nông như Kông Chro thì việc thành lập các HTX nông nghiệp sẽ giúp nền sản xuất địa phương phát triển, sản phẩm của người dân có đầu ra ổn định. Từ đó, giúp hình thành các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lê Nam