Kông Chro ngày ấy - bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong không khí hân hoan của những ngày tháng Tư lịch sử, tôi tìm về với vùng căn cứ cách mạng huyện 7 năm nào. 42 năm trôi qua kể từ ngày đất nước lặng im tiếng súng, Kông Chro hôm nay đã thật sự vươn mình trỗi dậy, khoác lên mình tấm áo mới nhuốm màu no ấm và đủ đầy.

Những bước ngoặc đáng nhớ

Lịch sử Đảng bộ huyện Kông Chro (1945-2013) khẳng định rõ, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Kông Chro luôn là địa bàn chiến lược quan trọng. Không chỉ làm bàn đạp đầu tiên cho kháng chiến ở khu vực Đông Nam Gia Lai, mảnh đất xa xôi này còn là nơi đứng chân của lực lượng kháng chiến địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu 5 và bộ đội chủ lực để tấn công địch tại An Khê và Cheo Reo. Trải qua những năm tháng trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Kông Chro đã vượt qua mọi khó khăn, kiên trì đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, giành quyền tự do cho dân tộc và nền độc lập, thống nhất nước nhà.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân An Khê (cũ) nói chung và Kông Chro nói riêng đã chung sức bền lòng, bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết quê hương. Đi đôi với thực hiện định canh định cư và phát triển kinh tế, các lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục… cũng được huyện tập trung đẩy mạnh. Ông Đinh Keo-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro, nhắc nhớ với tôi: “Làm sao để xóa mù chữ, xây dựng nếp sống mới trong việc ăn, ở cũng như loại trừ dần các tập tục lạc hậu là quyết tâm của địa phương lúc bấy giờ. Trong đó có 3 hủ tục của đồng bào Bahnar phải kiên quyết xóa bỏ gồm: phạt vạ cúng Yàng, ma lai và cưa răng. Mới đầu cũng gặp nhiều cản trở vì những thứ ấy đã ăn sâu trong đời sống người làng, tuyên truyền miết rồi sau này bà con cũng thấy nó không tốt và từ bỏ dần dần”.

Bộ mặt nông thôn của huyện Kông Chro đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hồng Thi
Bộ mặt nông thôn của huyện Kông Chro đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hồng Thi

Với sự quyết tâm và nỗ lực cao, sau 13 năm dựng xây (1975-1988), vùng đất phía Nam An Khê vốn bị tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh đã trở thành một địa bàn kinh tế-xã hội có nhiều triển vọng; bước đầu thu hút lao động, phát triển thị trường hàng hóa, định hình cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp; bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều chuyển biến. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đã được định canh định cư, xóa thế độc canh, đi vào thâm canh lúa nước, cây hoa màu, cây công nghiệp cũng như phát triển chăn nuôi gia đình. Hệ thống chính trị được tăng cường và củng cố; quốc phòng-an ninh được đảm bảo…

Tuy nhiên, những người con gần như gắn chặt cả cuộc đời với mảnh đất Kông Chro như ông Đinh Keo lại bảo với tôi rằng, quê hương ông chỉ thật sự “chuyển mình” khi được chia tách ra khỏi huyện An Khê rộng lớn cũ. Ấy là ngày 30-5-1988 với Quyết định số 96/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc phân vạch lại địa giới hành chính huyện An Khê và một số xã, thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Theo đó, huyện Kông Chro được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện An Khê, gồm 8 xã (An Trung, Chơ Glong, Chư Krey, Đak Song, Sró, Ya Ma, Yang Nam, Yang Trung) với diện tích tự nhiên 151.035 ha và dân số 17.783 người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số toàn huyện).

“Nghe tách huyện, bà con nhân dân phấn khởi lắm. Khi ấy tôi đang là Bí thư Đảng ủy xã Yang Trung, được cấp trên phân công về làm Bí thư Huyện đoàn Kông Chro. Cùng với cả huyện, lực lượng thanh niên chúng tôi hăng hái tập hợp lại, góp công góp sức xây dựng các trụ sở làm việc của huyện cũng như giúp đỡ bà con làm nhà để định cư. Không khí lúc bấy giờ sôi nổi lắm. Những ngày đầu thành lập, dẫu còn lắm khó khăn bủa vây, nhưng ai cũng có thể thấy, Kông Chro đã bắt đầu có điều kiện hơn để dựng xây và phát triển trên cơ sở sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh bằng nhiều chính sách lớn, có tác động đến đời sống kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân”-ông Đinh Keo khẳng khái nói.

Đổi thay mạnh mẽ

Mặc dù vẫn còn nằm trong tốp các huyện khó khăn của tỉnh Gia Lai, song những đổi thay mà hiện tại Kông Chro có được so với hơn 4 thập kỷ trước, đặc biệt sau gần 30 năm thành lập huyện, là điều rất đáng để tự hào.

Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: Hồng Thi
Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: Hồng Thi

Ông Đinh Huêch (làng Tnùng 2, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) không giấu được sự mừng vui khi nhắc đến sự đổi thay của quê hương qua ngần ấy thời gian chứng kiến. Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Kông Chro khi đất nước còn chìm trong khói súng và bom đạn, ông Huêch và cả làng mình phải sống chui lủi trên rừng, du canh du cư. Hòa bình lập lại, bà con quay về xây dựng làng, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, làng Tnùng 2 đã có sự “thay da đổi thịt”, người dân thu nhập khá từ trồng cây mía, bắp, mì và chăn nuôi bò, dê. Chia sẻ với tôi, ông Huêch cười khoe: “Tuy cái nghèo vẫn còn nhưng cái đói đã hết đeo bám dân làng, giờ hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi, ti vi để xem, thậm chí có hộ thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm, con cái được đến trường học chữ. Điện-đường-trường-trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang. So với trước kia, cuộc sống bà con giờ đỡ khổ hơn gấp nhiều lần”.

Nếu năm 1988, huyện Kông Chro thiếu lương thực triền miên, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa có gì đáng kể, thì giờ đây, huyện có nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 2.925,3 tỷ đồng; tỷ trọng nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47,7%, công nghiệp-xây dựng đạt 32,7%; dịch vụ chiếm 19,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 957 tỷ đồng. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục-thể thao, lao động-thương binh-xã hội, dân tộc-tôn giáo… đạt được nhiều thành tựu nổi bật; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. 

Nói về những đổi thay của huyện nhà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro Nguyễn Phú Lộc phấn khởi cho biết: Từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm nghèo nàn lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, nền kinh tế sản xuất tự cấp tự túc và phân tán, đến nay, kinh tế-xã hội của huyện Kông Chro đã có bước phát triển mạnh mẽ; khoảng cách phát triển giữa các vùng được thu hẹp; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần… Đường giao thông nối liền trung tâm huyện và các xã đã được bê tông và nhựa hóa, đảm bảo đi lại thông suốt cả 2 mùa mưa-nắng; 100% các xã đều đã có trường mầm non, tiểu học, THCS và Trạm Y tế; điện thắp sáng, mạng lưới thông tin-truyền thông đã đến với 100% thôn, làng; người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và tăng thu nhập.

Người dân đã biết phát huy thế mạnh cây trồng, vật nuôi trên địa bàn để nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Thi
Người dân đã biết phát huy thế mạnh cây trồng, vật nuôi trên địa bàn để nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo ông Lộc, trong năm 2017 và những năm tới, huyện sẽ tập trung phát huy thế mạnh cây trồng, vật nuôi của địa phương xây dựng và phát triển cánh đồng lớn cho cây chanh dây và mía nhằm giúp người dân tăng thu trên một đơn vị diện tích, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm 3% hộ nghèo trở lên mỗi năm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2018, huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, chú trọng tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ cơ sở, phát triển đảng viên; củng cố và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng, nhân rộng mô hình “Chi bộ kiểu mẫu” ở các thôn, làng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đảm bảo quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế-xã hội… 

Cơn mưa bất chợt đổ ập về chiều vào một ngày tháng Tư oi ả nắng. Trên tuyến đường bê tông nối liền xã Ya Ma với trung tâm huyện, dường như sự vội vã vượt mưa của người dân đã không còn chất chứa nỗi lo âu vì cảnh bùn lầy, trơn trượt như trước. Dù khó khăn vẫn còn đó, thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kông Chro vẫn đủ cơ sở để tin tưởng rằng, địa phương sẽ tiếp tục có được những bước tiến vượt bậc hơn nữa trong tương lai.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.