Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm xảy ra tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum và dự án thủy điện Đắk Re.
Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện nhiều sai phạm xảy ra tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum (tại H.Kon Rẫy và H.Kon Plông) và dự án thủy điện Đắk Re (tại xã Hiếu, H.Kon Plông).
|
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum bị xác định đổ thải hàng triệu m3 trái phép. Ảnh: Đức Nhật |
Dự án thủy điện Đắk Re do Công ty CP thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư, có quy mô 60 MW, tiến độ thực hiện từ năm 2007 - 2021. Theo TTCP, mặc dù đã điều chỉnh tiến độ 4 lần với tổng thời gian là 10 năm, và thực tế dự án đã thực hiện trong 12 năm nhưng đến nay vẫn dang dở. Dù vậy, Sở KH-ĐT tỉnh Kon Tum đã không theo dõi, buông lỏng quản lý, giám sát.
Dự án thủy điện Đắk Re triển khai thi công từ 2016 khi chưa đủ điều kiện khởi công, đây là hành vi chiếm đất, nhưng cơ quan chức năng không xử lý. Đồng thời, tại thời điểm thanh tra, dự án chậm tiến độ đủ điều kiện thu hồi tiền ký quỹ, nhưng cơ quan chức năng không thực hiện là thiếu trách nhiệm. TTCP yêu cầu chủ đầu tư nộp về tài khoản tạm giữ của TTCP hơn 21 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vi phạm.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư thủy điện Đắk Re còn chiếm dụng đất trái phép để thi công đường dây điện 22 KV từ nhà máy tới đập trên đất rừng. Diện tích rừng này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tương tự, tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Công ty này thay đổi địa điểm thực hiện dự án và tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó lên 109 ha, nhưng UBND tỉnh Kon Tum đã không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường là trái quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum còn không yêu cầu công ty nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sang phi nông nghiệp với diện tích 48 ha. Việc này đã gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,6 tỉ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh chưa được UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng, nhưng công ty đã thực hiện xây dựng từ năm 2015. TTCP xác định đây là hành vi chiếm đất.
TTCP cũng xác định khi dự án thủy điện Đắk Re điều chỉnh quy mô từ 30 MW lên 60 MW, diện tích dự án tăng từ 175 ha lên 192 ha, nhưng chủ đầu tư đã không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi thi công kênh thông hồ, chủ đầu tư đã trực tiếp đổ thải tại 2 vị trí thuộc đất rừng và đất nương rẫy của người dân là không đúng quy định. TTCP đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xác định khối lượng chất thải đã đổ trái quy định và xử phạt hành chính. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Nghiêm trọng hơn, đối với dự án thủy điện Thượng Kon Tum, mặc dù Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với 2 khu vực làm bãi trữ, bãi thải với diện tích 60 ha; nhưng UBND tỉnh Kon Tum chưa có quyết định cho thuê đất để làm bãi trữ mà công ty đã tự ý đổ đất, đá thải với khối lượng lên đến hàng triệu m3. TTCP cho rằng tỉnh Kon Tum cần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất như ban đầu. Nếu không khắc phục được hậu quả, TTCP sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch chạy theo nhà đầu tư TTCP xác định việc tỉnh Kon Tum phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa còn chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Địa phương này đã quy hoạch 81 công trình thủy điện, chiếm hơn 1.158 ha đất rừng. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là trên 951 ha, rừng phòng hộ 43 ha, rừng đặc dụng 163 ha. Việc quy hoạch này có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư. Mặc dù năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch, nhưng chỉ đạo này thực hiện chưa triệt để. Sau thời điểm ban hành văn bản, vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch trong năm 2020. TTCP đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cần rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa, tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng. |
Theo Đức Nhật (TNO)