Kinh ngạc sinh vật có thể xâm lược và biến hành tinh khác thành... Trái Đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Căn cứ ngoài hành tinh với những điều kiện tương tự Trái Đất có thể thành hiện thực nhờ một trong những sinh vật cổ xưa nhất địa cầu: vi khuẩn lam.
Các thí nghiệm của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà sinh vật học thiên văn Cyprien Verseux của Đại học Breman ở Đức cho thấy vi khuẩn lam (còn gọi là tảo lam, tảo lục lam) có thể phát triển thuận lợi trong điều kiện khí quyển của... Sao Hỏa.
Trích dẫn nghiên cứu, tờ Science Alert cho biết vi khuẩn lam là một trong những sinh vật đầu tiên của địa cầu, và đã ra đời khi bầu khi quyển của Trái Đất hoàn toàn không tồn tại những điều kiện phù hợp với sự sống như ngày nay. Chính sự bùng nổ toàn cầu của vi khuẩn lam 2,4 tỉ năm trước đã tạo nên bầu không khí "dễ thở" ngày nay, vì chính chúng đã bơm oxy vào khí quyển khi quang hợp.

Vi khuẩn lam làm cho mặt nước biến thành màu xanh lục ở Ohio, Mỹ - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Vi khuẩn lam làm cho mặt nước biến thành màu xanh lục ở Ohio, Mỹ - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Nói cách khác, vi khuẩn là một trong những yếu tố chủ chốt biến Trái Đất chết thành một hành tinh sống được. Tuy nhiên ngày nay, đôi khi sự phát triển của nó trở thành thảm họa do loài tảo này cũng có thể sản sinh ra các chất độc hại với sinh vật Trái Đất thời hiện đại.
Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể lặp lại điều tương tự trên Sao Hỏa. Theo khảo sát của NASA, ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu), thành phần khí quyển của Sao Hỏa được tạo thành chủ yếu bởi carbon dioxide (95%) và nitơ (3%). Thành phần chết chóc với con người này lại là món khoái khẩu của vi khuẩn lam.
Theo bài công bố vừa được tạp chí khoa học Frontiers in Microbiology đăng tải, trở ngại duy nhất là áp suất quá thấp trên Sao Hỏa, giúp việc duy trì nước ở trạng thái lỏng khó khăn, trong khi vi khuẩn lam cần nước để phát triển. Để khác phục, tiến sĩ Verseux và các cộng sự đã phát triển một "lò phản ứng sinh học" tên Atmos có áp suất bằng 10% áp suất Trái Đất. Nó sẽ là "vườn ươm" vi khuẩn lam trên Sao Hỏa.
Các tác giả kỳ vọng nó sẽ giúp nuôi những mẻ vi khuẩn lam đầu tiên ở các căn cứ Sao Hỏa, giúp tạo điều kiện cho các nhà khoa học sinh sống lâu dài và thực hiện các nghiên cứu ở hành tinh đỏ. Vi khuẩn lam còn là nguyên liệu hữu cơ đa chức năng, có thể làm chất nền để nuôi các vi khuẩn khác, có thể cung cấp đường, axit amin và chất dinh dưỡng cho các sinh vật sống khác, cũng như có thể dùng để sản xuất thuốc men tại chỗ. Tham vọng hơn, là dùng nó biến đổi cả Sao Hỏa thành một hành tinh tương tự Trái Đất, như chúng đã làm với Trái Đất 2,4 tỉ năm trước.
Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm