Kích cầu du lịch nội địa: Giảm sâu tới 60% rồi tăng giá đột ngột liệu có ổn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là câu hỏi đầy băn khoăn của các công ty du lịch, lữ hành trong thời điểm kích cầu du lịch nội địa và cũng là bài toán khó trong việc phục hồi và phát triển du lịch hậu kích cầu tại buổi toạ đàm về du lịch "Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19"
Giảm giá 50%, các doanh nghiệp chỉ là cầu nối cho khách hàng

Toạ đàm du lịch
Toạ đàm du lịch "Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19" diễn ra ngày 10/6/2020
Ngày 10/6/2020, báo Tiền Phong kết hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức buổi toạ đàm "Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19". Nội dung của buổi toạ đàm xoáy sâu những vấn đề chính: Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kích cầu du lịch; Đề xuất và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu để chương trình kích cầu thực sự đi vào đời sống, đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã hơn một tháng ngành du lịch được hoạt động trở lại, chương trình kích cầu du lịch nội địa được thực hiện nhưng thiệt hại cho ngành du lịch, các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch là vài chục đến cả trăm tỷ đồng. 
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Theo ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, trong 5 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa là 16 triệu lượt, giảm 58%. Tổng thu du lịch 150,3 tỷ đồng giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính 95% công ty lữ hành quốc tế nội địa dừng hoạt động trong thời điểm dịch diễn ra".
Đối với Vietravel, doanh thu từ mức hàng chục nghìn tỉ giờ quay về thời điểm vài nghìn tỉ, trong khi số lượng nhân viên chính thức là gần 2.000 nhân viên cộng với cộng tác viên, hướng dẫn viên mà Vietravel phải xoay sở. Với Tập đoàn Sungroup, sau thời gian mở cửa trở lại, lượng khách đến các khu vui chơi, khu du lịch do Sun Group vận hành chỉ đạt 20-30% so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu vẫn là khách nội địa.
Ước tính hết tháng 5, lượng khách đến với các khu du lịch, vui chơi sụt giảm khoảng 3 triệu khách, ước tính hết năm 2020 doanh thu chỉ đạt khoảng 70-80% so với cùng kỳ 2019, dự kiến đạt 70% so với kế hoạch kinh doanh của năm 2020. Diễn biến phức tạp về dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng về lượng khách, doanh thu, mà còn gây khó khăn trong việc chăm lo, bố trí, sắp xếp công việc cho 11.000 người lao động đang làm việc cho Sun Group trên cả nước.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Tiếp thị & Bán sản phẩm của Vietnam Airlines thì cho hay, thiệt hại của ngành hàng không lên tới 314 tỷ USD so với cùng kì năm 2019. Riêng doanh số của Vietnam Airlines giảm tới 5.000 tỉ so với năm 2019. Trong tháng 3-4 có ngày chỉ khai thác 3 chuyến bay.
Để phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt hút khách Việt trở lại với du lịch nội địa sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, lữ hàng, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước tại các thành phố, tỉnh thành địa phương đã bắt tay vào thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa. Dường như đây là giải pháp duy nhất để vực ngành du lịch "sống lại" sau thời gian đóng băng vì dịch Covid-19. Nhiều công ty du lịch chấp nhận hoà vốn, thậm chí âm vốn nhằm duy trì hoạt động du lịch.
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội chia sẻ, Vietravel giảm giá sâu đến 50% và không nghĩ tới lợi nhuận, chỉ xác định đây là lúc làm cầu nối giữa du khách và địa điểm tham quan để lấy lại lòng tin của khách nhằm tạo khí thế làm việc. 
"Khi xảy ra dịch Covid-19 bắt buộc chúng ta phải thích nghi với thời cuộc và Vietravel cũng vậy. Thời điểm trước và thời điểm này, Vietravel đã hoạt động mạnh về online nên với những khách du lịch ngại đến giao dịch tại văn phòng thì đặt tour qua online. Đối với sản phẩm, chúng tôi triển khai các gói du lịch combo, trọn gói nhóm nhỏ, sản phẩm golf và tâm linh vì tình hình hiện tại vẫn phải hạn chế tụ tập đông người", ông Phạm Văn Bảy nói.
Bà Trần Nguyện - Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Sungroup thì chia sẻ về chiến lược và chính sách cụ thể để đón sóng du khách nội địa trong đợt kích cầu nội địa: "Sungroup không chỉ chủ động đưa ra các chương trình kích cầu mà còn hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp khác trong ngành để cùng "kết bè vượt bão", tạo nên những chương trình kích cầu có mức giá hấp dẫn ở Sa Pa, Đà Nẵng. 
Mới đây, tại Sa Pa (Lào Cai), KDL Sun World Fansipan Legend đã phối hợp với UBND thị xã Sa Pa và Hiệp hội Du lịch Sa Pa tung ra chương trình kích cầu du lịch quy mô, mức giá ưu đãi lớn với sự tham gia của khoảng 70 doanh nghiệp. Theo đó, đồng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, vận tải, lưu trú, ẩm thực… trên địa bàn thị xã Sa Pa cam kết giảm giá dịch vụ từ 30-60%. Chúng tôi đang hợp tác với Vietnam Airlines để tung ra các gói kích cầu có giá hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Dự kiến, gói sản phẩm này sẽ được tung ra từ giữa tháng 6".
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch cho biết: "Là doanh nghiệp kinh doanh hai mảng, cả bất động sản du lịch và lữ hành, ngay thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, tất cả các hoạt động du lịch và các mảng kinh doanh liên quan của chúng tôi đều phải dừng ngay lập tức. 
Điều này khiến toàn bộ hoạt động đầu tư bị điều chỉnh, chi phí vận hành của doanh nghiệp thiệt hại rất lớn do phải duy trì bộ máy cảnh quan và nguồn nhân lực. Ở thời điểm hiện tại, một trong những việc mà doanh nghiệp phải làm là tăng cường đầu tư để nhận được sự đón nhận của thị trường; phải tiếp tục điều chỉnh tất cả các hoạt động vận hành theo tiêu chuẩn cao hơn thông thường, tái cơ cấu lại bộ máy. Đồng thời, chúng tôi cũng thay đổi thương hiệu từ Hà Nội Redtours thành Flamingo Redtours. 
Nhờ những thay đổi nêu trên, cho đến giờ phút này tất cả các dịch vụ du lịch của chúng tôi đều hoạt động đến 90% công suất vào dịp cuối tuần và 40% đối với các ngày trong tuần. Lượng khách du lịch trong tháng 5 đã đạt gần bằng cùng kì năm trước, đây là một thành công khó khăn của doanh nghiệp hậu đại dịch Covid-19".
Kiến nghị triển khai miễn thị thực và nâng thời hạn lên 30 ngày đối với những thị trường quốc tế
Dù bỏ qua lợi nhuận, chấp nhận chỉ là cầu nối giữa du khách và địa điểm tham quan nhưng rất nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn không tránh khỏi băn khoăn, trong đó câu hỏi kích cầu du lịch nội địa với những gói giá sản phẩm du lịch cực thấp, cực sốc nhưng rồi sau đó, hậu của kích cầu du lịch nội địa, thời điểm nghỉ hè các gia đình muốn đưa con, đưa gia đình đi du lịch thì các giá gói sản phẩm du lịch sẽ tăng vọt, thậm chí tăng cao, vênh giá liệu có ổn?
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội cho biết: "Băn khoăn đầu tiên là việc điều động toàn bộ nhân sự, kể cả các nhận sự không phải hướng dẫn viên để đón lượng khách quá đông tập trung tại điểm du lịch. Băn khoăn thứ hai khi đưa đoàn du khách đến các đường bay chưa được phát triển như Nghệ An, Hà Tĩnh… thì công ty du lịch phải đưa thêm hướng dẫn viên du lịch đi cùng, vì ở những điểm đến này hướng dẫn viên không đủ để hướng dẫn cho đoàn khách và như vậy việc đưa thêm một hướng dẫn viên đi cùng sẽ gây thêm chi phí, tốn kém cho công ty. 
Băn khoăn tiếp theo của chúng tôi là các gói sản phẩm du lịch đang rẻ quá rồi đột ngột tăng giá cao. Ví dụ thời điểm trước từ 30/1 đến cuối tháng 6 là gói sản phẩm du lịch rẻ, nhưng bắt đầu từ thời điểm 15/7 tới giữa tháng 8, thì với các dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn, các tour du lịch đều có lộ trình tăng giá để nuôi sống bộ máy hoạt động. 
Vậy thì đang từ giá 4 triệu tăng lên 6, 8, 9 triệu liệu có ổn? Vì vậy tôi nghĩ chúng ta cần bàn giải pháp có lộ trình hợp lý, ví dụ với các điểm đến thời điểm tới đây không cần giảm giá nhưng sẽ có kèm gia tăng giá trị, ví dụ những điểm đến sẽ có biển hay cô gái mặc áo dài chào đón để làm gia tăng giá trị cảm xúc. Đồng thời các địa điểm du lịch có kế hoạch mở cửa về đêm".
Bà Trần Nguyện – Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Sungroup cũng đưa ra những băn khoăn: "Trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới, chúng ta cần phải xác định lại thị trường khách quốc tế nào là thị trường trọng điểm của Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 để có chiến lược quảng bá và kích cầu phù hợp".
Một doanh nghiệp du lịch cũng e ngại cho rằng, sau thời điểm nghỉ hè, thị trường du lịch nội địa sẽ thế nào khi mà học sinh bắt đầu năm học mới. Người Việt Nam vẫn còn cố hữu với tư duy chỉ đi du lịch vào 3 tháng hè. 
Việc giảm giá sâu để kích cầu du lịch vào thời tái khởi động phục hồi du lịch, nhưng sau đó khi hết chương trình kích cầu du lịch, e ngại rằng du khách Việt sẽ vẫn có tâm lý mặc định giá giảm sâu đó là giá đương nhiên, chứ không nghĩ rằng cần phải quay lại với giá thực để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn… có thể tồn tại chứ chưa nói đến thu lợi nhuận.
Bà Trần Nguyện – Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup
Bà Trần Nguyện – Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup
Song song với những câu hỏi, băn khoăn được nêu ra, các doanh nghiệp du lịch cũng đưa ra những kiến nghị, theo bà Trần Nguyện – Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup: "Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ, ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân tạo dựng dự án mới, sản phẩm mới đón đầu xu thế quốc tế, đảm bảo chất lượng – đẳng cấp – khác biệt, độc đáo để tạo nên sự hấp dẫn, mới mẻ cho chính du khách nội địa và du khách quốc tế khi quay trở lại Việt Nam, tạo động lực để du khách quay trở lại nhiều lần. 
Kiến nghị triển khai miễn thị thực và nâng thời hạn lên 30 ngày đối với những thị trường quốc tế đã được đánh giá là an toàn với Covid-19. Chính sách này ban đầu có thể áp dụng trong vòng 12 tháng. Triển khai ngay lập tức các chương trình quảng bá du lịch online đến các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là những thị trường có khả năng khống chế đại dịch Covid-19 sớm nhất trên thế giới. 
Thị trường quốc tế cần có thời gian trễ để du khách lựa chọn, book vé/tour để đi du lịch tại Việt Nam - Cần xây dựng một trang thông tin "vietnamantoan"/ "VietnamSafe" để thúc đẩy quảng bá cho du khách quốc tế về một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và mến khách. Trang thông tin này ngoài việc cập nhật những thông tin, hình ảnh khẳng định Việt Nam an toàn với Covid-19, còn quảng bá những điểm đến và chính sách kích cầu của du lịch Việt Nam với khách quốc tế.
Ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới, Chính phủ và Bộ VHTTDL cần triển khai các chương trình quảng bá, kích cầu tại một số thị trường trọng điểm, có thể tạo nên cú hích cho du lịch Việt Nam hậu dịch Covid-19 (ví dụ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…). Ngoài ra, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia cùng các chương trình này.
Đề xuất Chính phủ cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế song phương tới một số quốc gia đã kiểm soát an toàn về dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… theo mô hình "bong bóng du lịch". Đề xuất Chính phủ áp dụng mã QR để quản lý thông tin, truy vết hành khách, khách du lịch xuất nhập cảnh khi mở cửa bầu trời (trong trường hợp cần thiết) để hạn chế rủi ro thấp nhất. Đồng thời, trang bị các thiết bị tầm soát, xét nghiệm nhanh tại các cửa khẩu.
Hãng hàng không Vietnam Airlines thì kiến nghị: "Sau dịch Covid-19 cần truyển tải thông điệp Việt Nam an toàn ra nước ngoài. Cần lộ trình làm sớm, thông qua các kênh khác nhau, lan tỏa đến khách hàng, trên các phương tiện truyền thông trên thế giới để họ biết đến Việt Nam là điểm đến an toàn. Một khách hàng quốc tế thường cần thời gian tìm hiểu về điểm đến. Đặc biệt, sau đại dịch, khách hàng cần thời gian cân nhắc hơn. Nếu đại dịch an toàn rồi mới làm truyền thông ra nước ngoài với cảnh đẹp, giá hấp dẫn thì chúng ta bị chậm với việc đưa, đón khách nước ngoài đến với Việt Nam.
Vietnam Airlines đã sẵn sàng nguồn lực để ngay khi mở cửa, thậm chí có thể mở ngay các chuyến bay quốc tế. Hiện tại, Vietnam Airlines hàng tuần có chuyến bay 1 chiều sang Hàn Quốc.
Chia sẻ trước các nguyện vọng của các công ty du lịch, hãng hàng không, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Về phía Tổng cục Du lịch, chúng tôi thấy sự đoàn kết của các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành, địa phương. Chúng tôi sẽ cùng các Sở VHTTDL giám sát cơ chế, chính sách, bám sát hành lang chung để làm sao doanh nhiệp có thể vận hành tốt nhất, gặp khó khăn thì tháo gỡ các doanh nghiệp. 
Giai đoạn đầu chúng ta sẽ phát triển du lịch nội địa. Giai đoạn 2 vẫn là phát triển du lịch nội địa và thêm song phương với một số quốc gia. Ở giai đoạn sau sẽ xem xét mở rộng thêm các thị trường quốc tế khác. Ngoài ra, xúc tiến gửi thông điệp đến với hành khách quốc tế, Việt Nam là địa điểm an toàn".
Theo thống kê toàn cầu, doanh thu từ du lịch trên toàn thế giới năm 2020 có thể giảm xuống 78%.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch trở lại. Năm 2019, 45% doanh thu du lịch là từ khách nội địa, Việt Nam chỉ đón 18 triệu khách quốc tế nhưng lại chiếm tới 55% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh trên toàn thế giới lại là cơ hội vàng của du lịch Việt. Những người Việt trước đây hay du lịch quốc tế sẽ quay lại khám phá Việt Nam. Đó là nhóm người có khả năng chi trả cao hơn. Nếu được phục vụ tốt, nhóm khách hàng này sẽ gắn bó lâu dài hơn với du lịch Việt.
Theo một số khảo sát, những khách hàng du lịch Việt Nam có xu hướng thay đổi hơn trước: Người Việt Nam thường đi du lịch với đoàn nhỏ, nhóm gia đình, bạn bè; Thích đi biển, leo núi, những địa điểm hoang dã hơn là những thành phố, khu dân cư; Cực kỳ quan tâm đến vấn đề an toàn, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, giá trị gia tăng; Người Việt có thói quen đặt tours, đặt vé, các địa điểm nhà hàng trực tiếp không qua ứng dụng công nghệ. Nắm bắt được những xu hướng thay đổi như thế, du lịch Việt cần thay đổi để phù hợp hơn với khách hàng.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch
Theo Huy Hoàng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.