Khúc tráng ca giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, Ka Nak(Kbang, Gia Lai) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với địa hình nhiều thung lũng, đồi núi lô nhô, nhiều sông suối bao bọc. Đây là con đường huyết mạch tiếp giáp với quốc lộ 19, con đường nối liền với cảng biển Quy Nhơn… có điều kiện thuận lợi để xây dựng một căn cứ phòng thủ vững chắc, khó bị tấn công. Ngay từ những ngày đầu xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ đã chiếm đóng Ka Nak và xây dựng nơi đây thành khu trung tâm huấn luyện biệt kích ở Tây Nguyên bằng một hệ thống phòng thủ dày đặc... Từ căn cứ Ka Nak, địch đã liên tục mở các đợt càn quét, gom dân lập ấp chiến lược, đồng thời phục kích ngăn chặn lực lượng vũ trang của ta hành quân từ Đông Gia Lai xuống Bình Định và Tây Bình Định vào Tây Phú Yên.

Ảnh: Hạ Vy
Ảnh: Hạ Vy
Với quyết tâm tiêu diệt căn cứ Ka Nak, mở rộng địa bàn hoạt động giữa vùng rừng núi và đồng bằng, giữ vững căn cứ lõm, ngay từ đầu tháng 2-1965, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu V và Mặt trận Tây Nguyên do đồng chí Giáp Văn Cường chỉ huy đã chỉ đạo lực lượng tác chiến ở Ka Nak gồm: Trung đoàn Bộ binh 10, Tiểu đoàn 409 Đặc công, 2 đại đội địa phương tỉnh Gia Lai chuẩn bị tấn công Ka Nak… Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu V và Mặt trận Tây Nguyên quyết định sử dụng Tiểu đoàn Đặc công 409 dùng chiến thuật tập kích diệt cứ điểm Ka Nak. Trực tiếp chi viện cho Tiểu đoàn 409, có Tiểu đoàn 4, các trận địa hỏa lực cối 82 mm, DKZ 75 mm của Trung đoàn 10 và hơn 100 dân công 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Cuộc chiến bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 7-3-1965, Tiểu đoàn 409 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành Tân và Chính trị viên Ngô Trọng Đãi chỉ huy, được lệnh hành quân vào tuyến xuất phát 1 (cách Ka Nak 1,5 km) và chuẩn bị vào tuyến xuất phát 2 (cách Ka Nak 0,5 km). Sau hơn nửa ngày diễn ra suôn sẻ, đến 23 giờ 30 phút, ở khu Bắc mũi 1 của Đại đội 40, vì động tác gỡ mìn thiếu chuẩn xác đã làm mìn chiếu sáng phát nổ. Bị động, địch đã bắn cối, M79 vào khu vực bị nghi ngờ. Lúc này, một số chiến sĩ của Đại đội 40 bị thương, không giữ được bình tĩnh đã tiếp tục vấp phải mìn nên bị thương nhiều. Cùng lúc đó, khu vực phía Nam và tại hướng giữa, nơi là hướng tiến công chủ yếu của trận đánh tình hình cũng bắt đầu trở nên ác liệt hơn. Ông Trần Duy Trung (sống tại Xuân Trường- Nam Định) trước đây thuộc Tiểu đoàn 4-Trung đoàn 95A, người trực tiếp tham gia trận đánh Ka Nak kể lại: Theo tôi, trận đánh này ta chưa đánh thì đã bị lộ cả rồi. Toàn bộ quân ta đều nằm sát cạnh vị trí địch. Ta vừa nổ súng thì địch đã chủ động đánh trả ngay lập tức. Mới bắt đầu nổ súng thì khu vực chung quanh quân ta đã phát sáng như ban ngày. Địch ở trên cao nhìn rõ ta, mà lại chủ động, ta bị bất ngờ không kịp đối phó nên thương vong và hy sinh nhiều…”.

Sau gần 1 ngày chiến đấu không khoan nhượng, dù đã linh hoạt thay đổi phương án tác chiến, nhưng do địa hình hiểm trở, hỏa lực của địch mạnh lại ở thế chủ động, trân đánh của quân ta cũng đã mất đi yếu tố bất ngờ, nên dù cố gắng cầm cự và chiến đấu anh dũng nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Lúc này, quân ta đã bị tổn thất khá nặng nề. Trước tình hình đó, 4 giờ sáng ngày 8-3-1965 nhận thấy không đủ điều kiện để bám trụ chiến đấu, Ban Chỉ huy Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn Đặc công 409 cho bộ đội thu gom đội hình rút về tuyến sau. Trận đánh kết thúc, gần 200 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Dù không thực hiện được mục tiêu đề ra nhưng quân và dân ta cũng đã làm tiêu hao rất nhiều sinh lực, khí tài của địch.

Chiến tranh đã lùi xa, Kbang giờ đang đổi thay từng ngày. Những vết tích của trận đánh năm xưa cũng đã phai mờ, kỷ vật còn lại cũng không nhiều, các chiến sĩ tham gia trận đánh người còn, người mất, nhưng âm vang của trận đánh đồn Ka Nak vẫn còn vang vọng. Trận đánh đó đã để lại trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta những ấn tượng không bao giờ quên về tình đồng chí, đồng đội, về sức mạnh ý chí và nghị lực phi thường của các chiến sĩ. Đó không chỉ là niềm tự hào của những người dân huyện Kbang mà còn là niềm tự hào của toàn thể nhân dân tỉnh ta. Ngôi đền tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Ka Nak được xây dựng tại đây như một sự tri ân đối với những người đã ngả xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Hạ Vy
Trong bài có sử dụng một số tư liệu trong trận đánh đồn Ka Nak (7-3-1965. Nguồn từ Bảo tàng tỉnh Gia Lai).

Có thể bạn quan tâm

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.