Không thể biện giải việc xây dựng trạm bảo vệ rừng bằng toàn gỗ ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân khó có thể tin tưởng vào lực lượng bảo vệ rừng khi nhìn nơi làm việc, nghỉ ngơi của họ được xây dựng nguy nga bằng toàn gỗ rừng ở Đắk Nông.
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 ở Đắk Nông ốp toàn bằng gỗ rừng. Ảnh: BL
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 ở Đắk Nông ốp toàn bằng gỗ rừng. Ảnh: BL
Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông vừa xây mới với diện hơn 250m2 trên lâm phần do đơn vị quản lý. Đáng nói là cả tầng lầu của ngôi nhà đã ốp hoàn toàn bằng gỗ rừng với hơn 35m3.  
Không chỉ sàn bằng gỗ, trần nhà đóng gỗ, mà tất cả tường của 9 căn phòng, từ trụ cột, hành lang, nhà vệ sinh... đều ốp kín bằng gỗ rừng.

Bên ngoài hành lang ốp toàn gỗ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 Đắk Nông. Ảnh: BL
Bên ngoài hành lang ốp toàn gỗ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 Đắk Nông. Ảnh: BL
Chủ công trình - ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết số gỗ để xây dựng công trình này đã được UBND tỉnh Đắk Nông cho phép sử dụng sau bão vào năm 2019 với khoảng 35m3. Quá trình xây dựng, công ty còn tận dụng thêm một số cây thông ngã đổ trong rừng...
Theo ông Bình, công ty dự định xây dựng căn nhà để trở thành trạm dừng nghỉ, phục vụ du lịch, có thêm nguồn thu để trả lương cho nhân viên. Còn trước mắt, sẽ làm nơi nghỉ ngơi của lực lượng bảo vệ rừng.
Hiện, trên hồ sơ pháp lý cũng như công năng sử dụng thực tế, công trình vẫn thể hiện là "Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1". Còn việc đón khách, làm dịch vụ du lịch thì theo ông Bình chỉ mới là dự định.
Muốn khai thác dịch vụ du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú trên đất rừng không phải muốn là làm được ngay. Vì vậy, lấy dự định làm du lịch ra để dùng gỗ rừng xây dựng cơ ngơi một trạm bảo vệ rừng toàn gỗ như vậy chỉ là cách ngụy biện, khó thuyết phục của đơn vị này.

Làm dịch vụ du lịch chỉ là dự định, trụ sở trạm quản lý bảo vệ rừng được xây toàn gỗ là thực tế. Ảnh: BL
Làm dịch vụ du lịch chỉ là dự định, trụ sở trạm quản lý bảo vệ rừng được xây toàn gỗ là thực tế. Ảnh: BL
Kiểm lâm, các đơn vị lâm nghiệp được giao quản lý bảo vệ rừng. Họ còn có quyền  điều tra, khởi tố các vụ phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, lấn chiếm đất rừng... Bởi vậy, họ thừa hiểu biết, vận dụng luật để sử dụng gỗ rừng hợp pháp.
Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vụ phá rừng, sau khi khởi tố vụ án thì không khởi tố được bị can, không bắt được lâm tặc. Gỗ tang vật thường được tịch thu, bán đấu giá. Mua, hoặc được cho phép sử dụng gỗ từ nguồn này đương nhiên là hợp pháp. Chỉ có cây gỗ là mất thật, rừng bị suy thoái, môi trường bị hủy hoại. Vậy lực lượng bảo vệ rừng nghỉ ngơi, làm việc trong một ngôi nhà toàn gỗ rừng, nhiều đến thái quá như vậy có phù hợp?
Dùng gỗ rừng để xây một công trình đồ sộ toàn gỗ để làm "Trạm quản lý bảo vệ rừng" không chỉ gây phản cảm, mà còn thể hiện sự thiếu chính trực của lực lượng được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng. Người dân khó có thể tin cậy vào họ khi nhìn trạm bảo vệ toàn gỗ đến choáng ngợp này.
THANH HẢI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.