Không nên chủ quan với bệnh phong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều trường hợp mắc bệnh phong không được chẩn đoán và điều trị kịp thời do tổn thương trên da không điển hình bệnh phong mà rất giống với các bệnh da khác
Dù đã được công bố loại bỏ vào năm 2000, tuy nhiên một số ca bệnh phong mới vẫn được phát hiện với những triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và mô bệnh học biến đổi.
Bệnh phong tái xuất
Sau 3 năm miệt mài điều trị nhưng không thuyên giảm, người phụ nữ ở Hà Nội ngạc nhiên khi nhận chẩn đoán mắc bệnh phong. Đó là bệnh nhân 47 tuổi, trước đó xuất hiện tình trạng ban đỏ, ngứa ở bàn tay kèm dát đỏ ở mặt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, đau khớp gối và khớp cổ chân. Bà đi khám tại một bệnh viện, được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống, kết quả xét nghiệm miễn dịch âm tính. Trong 3 năm liên tiếp, bà điều trị bệnh này, tuy nhiên bệnh tiến triển từng đợt.
Hơn 1 năm trước, bà hoại tử đầu ngón hai bàn chân phải, phải cắt cụt. Ba tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dạng cục ở vùng cẳng tay, cẳng chân và thân mình, tổn thương đỏ, ấn đau, một số mất đi để lại dát thâm, kèm sốt. Sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương. Tại đây, qua khám lâm sàng, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có tổn thương dạng hồng ban nút. Nhiều tổn thương dạng kích thước 0,5 cm, tổn thương dạng dát, mảng thâm nhiễm nhẹ, thâm tím, ấn đau ở cẳng tay, cẳng chân, ngực, thân mình phù nề nhẹ 1/3 dưới cẳng chân phải, ấn đau. Do dùng corticoid dài ngày, da bệnh nhân mỏng, giãn mạch, khô, bóng.
Sau nhiều lần hội chẩn, loại trừ, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh phong, điều trị theo phác đồ phong thể nhiều vi khuẩn. Theo dõi điều trị sau 10 ngày, bệnh nhân có đáp ứng tốt, không sốt, cơ năng hết đau, hầu hết tổn thương hết đỏ, trở thành dát tăng sắc tố.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân nam giới, 35 tuổi, ở Lạng Sơn đến khám vì nổi nhiều tổn thương nốt mẩn đỏ, ấn đau, rải rác tay chân, thân mình. Bệnh nhân cho biết tình trạng này diễn biến hơn 2 năm nay, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi tại bệnh viện tỉnh, Viện Sốt rét ký sinh trùng trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương với nhiều chẩn đoán và điều trị nhiều đợt nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng tiến triển nặng. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện tổn thương là các sẩn đỏ, ấn chắc, đau tại tổn thương, kích thước đa dạng từ 1-3 cm, phân bố rải rác khắp vùng mặt, tay chân, thân mình. Dù không điển hình nhưng nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh phong - một căn bệnh da liễu trước đây rất phổ biến ở Việt Nam, các bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm rạch dái tai tìm vi khuẩn phong và kết quả dương tính khẳng định chẩn đoán bệnh.
 
Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng cho người bệnh phong
Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng cho người bệnh phong
Biểu hiện đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm
Bác sĩ Trần Mẫn Chu, Khoa Huyết học - Sinh hóa - Giải phẫu bệnh Bệnh viện Da liễu trung ương, cho hay trên lâm sàng tổn thương da ban đầu của bệnh nhân giống biểu hiện lupus ban đỏ hệ thống. Thậm chí, khi vào viện, tổn thương trên da không điển hình bệnh phong mà rất giống với các bệnh da khác gồm cả bệnh ác tính, bệnh da tự miễn, hay dị ứng. Đây là điều không lạ trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các ca bệnh phong mới ghi nhận có những biểu hiện lâm sàng đa dạng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh hệ thống hay bệnh da ác tính khác, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Bệnh phong trước đây được xem là bệnh nan y và khiến nhiều người khiếp sợ, người nhiễm bệnh thường chịu thành kiến, chịu sự hắt hủi, xa lánh, thậm chí bị ngược đãi từ cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam có các trại phong ở Quỳnh Lập (Nghệ An), Vǎn Môn (Thái Bình), Sóc Sơn (Hà Nội), Sơn La, Đắk Nông... là nơi các bệnh nhân phong cùng chung sống với nhau.
Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc nhưng người ta cho rằng bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh, đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỉ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2%-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.
Một số ca bệnh mới được phát hiện với những triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và mô bệnh học biến đổi. Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương khuyến cáo trong thực hành lâm sàng, cần chú trọng đặt ra chẩn đoán phân biệt khi có dấu hiệu nghi ngờ và khẳng định lại bằng hình ảnh mô bệnh học, từ đó có thể điều trị sớm cho bệnh nhân phong.
Tỉ lệ mắc bệnh phong còn rất thấp
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện Da Liễu trung ương, cho biết hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong rất hiệu quả, do đó tỉ lệ mắc phong tại Việt Nam hiện nay rất thấp, nên nhiều trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Vì vật, các bác sĩ không được mất cảnh giác với bệnh lý này, khi nghi ngờ có bệnh nhân mắc bệnh cần chuyển tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Bài và ảnh: Ngọc Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm