Khởi nghiệp với các sản phẩm từ hạt mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ mới xuất hiện trên thị trường hơn 1 năm nhưng các sản phẩm mắc ca mang thương hiệu Mắc ca Gia Lai Phương Linh do chị Đỗ Thị Thu Hằng (SN 1991, tổ 9, thị trấn Kbang, huyện Kbang) sản xuất đã khẳng định uy tín với khách hàng.
Sinh ra trong một gia đình làm nông, từ nhỏ, chị Hằng đã thường xuyên phụ giúp cha mẹ việc ruộng vườn. Càng tiếp xúc với công việc nhà nông, chị càng nhận thấy sự vất vả, thiệt thòi của người nông dân, nhất là khi họ chỉ biết trồng trọt rồi thu hoạch sản phẩm bán cho thương lái. Trong khi đó, cũng từ nguồn nguyên liệu này, khi được chế biến thì giá bán rất cao. “Tại sao mình không khai thác nguồn nguyên liệu mắc ca sẵn có tại địa phương để chế biến thành sản phẩm?”-chị Hằng tự đặt câu hỏi trước khi bắt tay khởi nghiệp vào năm 2018.
Chị Hằng nhớ lại: “Ban đầu, khi tôi quyết định từ bỏ công việc của một nhà giáo để khởi nghiệp với nghề chế biến hạt mắc ca, gia đình cũng như người thân rất bất ngờ, thậm chí can ngăn bởi họ biết rằng công việc này rất vất vả và đầy rủi ro. Song, niềm đam mê nông nghiệp sạch đã thôi thúc tôi quyết tâm thực hiện. Từ việc chỉ trồng mắc ca bán cho thương lái như trước, tôi đã nghiên cứu quy trình sản xuất ra các sản phẩm mắc ca cũng như tìm hiểu về thị trường tiêu thụ. Sau một thời gian bàn bạc với gia đình, tôi quyết định vay mượn vốn đầu tư mua máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm hạt mắc ca sấy nứt”.
 Sản phẩm mắc ca sấy nứt do chị Đỗ Thị Thu Hằng sản xuất đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.T
Sản phẩm mắc ca sấy nứt do chị Đỗ Thị Thu Hằng sản xuất đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.T
Theo chị Hằng, hiện nay, người tiêu dùng rất chú trọng đến sức khỏe nên sử dụng nhiều loại hạt dinh dưỡng, trong đó có hạt mắc ca. Quy trình chế biến hạt mắc ca không khó như nhiều loại hạt dinh dưỡng khác nhưng lại đòi hỏi sự công phu trong từng công đoạn. Khi thu mua hạt về phải tiến hành phân loại để chọn hạt có độ đồng đều, sau đó cất trong kho lạnh để bảo quản. Đến khi lấy ra sấy xong thì phải cắt nứt và dùng bóng đèn soi kỹ trong khe của từng hạt để loại bỏ những hạt bị đốm đen có thể do khi thu hoạch người dân bảo quản không đúng cách dẫn đến bị hỏng bên trong…
Quá trình khởi nghiệp của cô gái 9x này cũng không mấy suôn sẻ trong năm đầu tiên khi những mẻ hàng liên tục bị hỏng do quy trình sản xuất chưa hoàn thiện. Chị Hằng kể: “Mẻ thì cháy, mẻ bị vỡ gần hết, rồi những hạt nhìn ngoài rất đẹp nhưng bên trong bị đốm màu. Hàng gửi đi rồi còn bị khách trả lại. Những lần đó, may thì hòa vốn, còn không thì chịu lỗ. đã có lúc tôi thấy nản nhưng rồi cũng rút ra được kinh nghiệm và bí quyết cho riêng mình”.
Khởi đầu từ một cơ sở nhỏ, thương hiệu còn mới trong khi thị trường đã có vô số thương hiệu sản phẩm mắc ca nên chị Hằng luôn đề cao việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài một ít mắc ca gia đình trồng được, chị chủ yếu đi thu mua nguyên liệu của nông dân trên địa bàn về sản xuất. Chị cũng thường xuyên đến từng vườn để trao đổi với nông dân về quy trình sản xuất sạch và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Bởi theo chị, nguồn nguyên liệu phải đảm bảo sạch thì mới cho ra sản phẩm chất lượng. Hiện nay, cây mắc ca được người dân Kbang trồng xen với cà phê rất nhiều. Cứ 1 ha cà phê có thể trồng xen khoảng 200 cây mắc ca, năng suất đạt 15-20 kg hạt/cây, giá thu mua cũng ổn định ở mức 110-120 ngàn đồng/kg tươi. Chị Hằng cho hay: “Do mấy năm qua, cây mắc ca bị mất mùa, sản lượng rất ít. Do đó, tới vụ thu hoạch, tôi đến từng nhà vườn để thu mua với giá cam kết. Hạt tươi sau khi mua về được bảo quản bằng cách hạ ẩm bằng máy, sau đó trữ trong kho lạnh. Khi nào cần mới đem ra sấy khô và cắt nứt. Loại hạt này nếu để trong môi trường tự nhiên sẽ lên dầu, ẩm mốc, giảm chất lượng”.
Để hạt mắc ca được ngon và giòn, chị Hằng chọn phương pháp sấy rồi mới cắt nứt. Chị cho biết, với phương pháp này, sản lượng mắc ca sẽ hao hụt nhiều vì hạt dễ bị vỡ đôi hoặc bong vỏ, không chọn đóng gói được mà chỉ tận dụng để chế biến tinh dầu. Song, quy trình này sẽ cho ra hạt trắng đều, thơm ngon, giữ lại toàn bộ hàm lượng dinh dưỡng. Đây chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt về chất lượng. Đặt chữ tín lên hàng đầu với chất lượng đã được kiểm chứng từ khách hàng, cơ sở sản xuất của chị Hằng đang từng bước khẳng định uy tín của mình trên thị trường trong và ngoài tỉnh với các sản phẩm: hạt mắc ca sấy nứt, nhân mắc ca, tinh dầu hạt mắc ca; sản lượng bán ra ngày một tăng. Từ những tín hiệu tích cực này, chị Hằng có thêm ý tưởng mở rộng chế biến một số loại hạt khác như sachi, điều với nguồn nguyên liệu sẵn có ở Gia Lai. Nói về kế hoạch trong tương lai, chị Hằng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ. Không chỉ bán online, chị còn đang xúc tiến đưa hàng vào hệ thống siêu thị mi ni, các cửa hàng lớn. “Khi theo đuổi giấc mơ nông nghiệp sạch, ngoài việc làm kinh tế, phát triển thương hiệu sản phẩm, tôi nghĩ mình cũng cố gắng góp sức để tạo dựng một sản phẩm đặc trưng của quê hương, để khi nhắc đến mắc ca, người ta nghĩ ngay đến Kbang-Gia Lai”-chị Hằng chia sẻ.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.