Khởi nghiệp từ… mo cau

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, khi về nước, chị Lê Bích Thảo quyết định khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh và mục tiêu của chị là tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, để “chống lại” rác thải nhựa.
 
Lãnh đạo T.Ư Đoàn và tỉnh Bắc Ninh tham quan sản phẩm làm từ mo cau được trưng bày tại Ngày hội thanh niên hành động chống lại rác thải nhựa toàn quốc. Ảnh V.T
Hành trình “chinh phục” mo cau
Chị Lê Bích Thảo (35 tuổi) hiện là “bà chủ” một quán ăn chay ở Time City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và là nhà sáng chế nhiều sản phẩm ấn tượng chống ô nhiễm môi trường, như các đồ đựng thực phẩm bằng mo cau, bã mía, bẹ chuối… Đặc biệt, những sản phẩm làm từ mo cau của chị Thảo đã được nhiều người đặt mua và đặc biệt thích thú khi sử dụng. Bộ sản phẩm bao gồm nhiều loại: thìa, dĩa, đĩa, bát, hộp đựng thức ăn… xinh xắn và tiện dụng.
Chia sẻ về ý tưởng sản xuất sản phẩm này, chị Thảo cho biết, khi mở nhà hàng kinh doanh thực phẩm chay (năm 2016), điều chị thấy nhức nhối nhất là tình trạng thải các sản phẩm nhựa dùng một lần tràn lan ra môi trường.
“Trong lúc cảm thấy nan giải vì không biết dùng đồ gì để đựng thức ăn cho khách mang về mà tránh được đồ nhựa, mình bắt đầu hành trình tìm hiểu và nghiên cứu… lá cây. Việc đầu tiên có thể nghĩ đến lúc đó là đi thu thập các loại lá bản to, rồi tìm cách khâu vào nhau, hoặc để tạo độ cứng thì bôi các chất kết dính tự nhiên vào 2 cái lá và lấy bàn là ra ép. Trong nhà hồi ấy cứ xèo xèo bốc khói và lá cây tha lôi từ tủ lạnh cho tới giường ngủ là chuyện bình thường”, chị Thảo bắt đầu câu chuyện về hành trình đến với… mo cau.
Theo chị Thảo, điều khiến chị nhức đầu nhất là làm thế nào để tạo độ cứng và một chất tự nhiên chống thấm nước mà không dùng hóa chất độc hại. Vì ngay đến cái cốc giấy, người ta cũng phải lót ni lông mới đựng được thực phẩm.
“Rồi một ngày trên đường về quê, nhìn thấy tàu mo cau đang rơi ra ở lối đi, mình chợt nhớ tới chiếc quạt rắn chắc thơm mùi mo cau ngày bé. Cầm chiếc mo cau trên tay, bỗng chợt nhận ra bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên đã luôn sẵn có ở đó rồi. Một vật liệu rắn chắc cùng lớp chống thấm hoàn hảo không thể nào tuyệt vời hơn”, chị nói. Và thế là công cuộc đưa mo cau đến với đời sống hiện đại đã được chị Thảo mò mẫm từng tí một, từ việc tìm kiếm về máy móc, khuôn đúc, nhiệt độ phù hợp, đến học hỏi các nơi trên thế giới để sản xuất loại sản phẩm đặc biệt này. Mãi 3 năm sau (cuối năm 2019), các sản phẩm từ mo cau của chị Thảo mới được “trình làng”.
Chị cho biết bản thân đã tìm kiếm khắp nơi với nhiều thử nghiệm thất bại, sau đó may mắn đã tìm được một máy ép phù hợp của Ấn Độ, nên sản xuất thành công.
Sản phẩm “nói không” với ô nhiễm
Chia sẻ về sản phẩm độc đáo này, chị Thảo cho biết, mo cau tự nhiên được thu gom về rửa sạch, phơi khô, ép ở nhiệt độ cao để cho ra đời các sản phẩm theo ý muốn. Điều đặc biệt là quá trình sản xuất này không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hơn thế, nó còn là sản phẩm độc đáo dành cho những khách hàng thực sự yêu thiên nhiên.
“Chiếc mo cau vốn đã tạo ra bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên. Và vì thế, không mo cau nào có thiết kế giống nhau cả, mỗi chiếc là độc nhất vô nhị. Những sản phẩm này cũng không có mùi hương kiểu công nghiệp hoặc được khử mùi, mà được giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau pha với “mật mía-caramen”, do quá trình tương tác ép khuôn ở nhiệt độ cao. Tùy vào độ ẩm và nhiệt độ mà mỗi sản phẩm sẽ có màu sậm hơn hay sáng hơn”, chị Thảo cho biết.
Trong quá trình sản xuất sản phẩm mo cau, chị Thảo cũng hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường, như đặt nhà máy ở vùng nguyên liệu Bắc Giang để hạn chế thải khí độc ra môi trường trong khi vận chuyển nguyên liệu. Nguyên liệu cũng lấy từ thiên nhiên là lá cây khô bỏ đi nên không “phá hoại” cây xanh. Sản phẩm giúp thay thế đồ nhựa đựng thực phẩm dùng một lần; có thể sử dụng trong lò vi sóng mà không thôi nhiễm chất độc hại. Đặc biệt, khi sản phẩm này bỏ đi sẽ được phân hủy được hoàn toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
Hỏi về giá thànhcác sản phẩm, chị Thảo cho biết, giá thìa 1.500 đồng/chiếc, đĩa khay tuỳ kích cỡ giá từ 4.000 - 5.000 đồng, hộp đựng thức ăn 12.000 đồng… “Nhìn chung, so với các đồ nhựa dùng một lần thì không rẻ, nhưng sản phẩm có thể tái sử dụng và so với cái giá phải trả cho môi trường thì mình thấy quá rẻ”, chị Thảo cười, chia sẻ.
Sau khi mua bộ đồ dùng bằng mo cau từ sáng chế của chị Thảo về dùng, chị Nguyễn Thị Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội), phấn khởi nói: “So với đồ nhựa dùng một lần thì các sản phẩm làm từ mo cau rất có ý nghĩa trong bảo vệ sức khỏe và môi trường. Tôi dùng khi cho các con đi picnic, hoặc mang đồ từ nhà hàng về...”.
Chia sẻ về “đầu ra” của sản phẩm, chị Thảo cho biết, hiện lượng khách đặt hàng rất đông, nhất là các nhà hàng, quán cà phê… vì sản phẩm độc đáo, có thể làm tăng thương hiệu của các doanh nghiệp với tiêu chí sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, do nguyên liệu mo cau chỉ khai thác được theo mùa, nên sản phẩm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện chị Thảo đang nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm được làm từ bã mía, bẹ chuối … để gia tăng sản phẩm thay thế đồ nhựa.
“Chúng tôi yêu môi trường nên mong muốn khi sản xuất những sản phẩm này sẽ thay thế được những đồ nhựa dùng một lần, không chỉ hại cho môi trường mà chính sức khỏe của chúng ta. Bằng sản phẩm này, tôi hy vọng mang lại môi trường tốt lành và thân thiện nhất với người sử dụng”, chị Thảo chia sẻ.
Sản phẩm làm từ mo cau của chị Thảo đã được T.Ư Đoàn đánh giá cao tại cuộc triển lãm Các sản phẩm tái chế chống lại rác thải nhựa năm 2019, tổ chức tại Bắc Ninh.
Vũ Thơ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.