(GLO)- Ở một đất nước mà hầu hết người dân còn sử dụng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) để đi lại hàng ngày như Việt Nam, những tưởng một cây xăng mọc lên sẽ chẳng khiến ai phải mảy may chú ý, ngoại trừ những người sống gần đó.
Ấy thế mà cách đây nửa tháng, khi Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (Nhật Bản) mở cây xăng tại Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), báo chí và mạng xã hội bỗng “nóng ran” hết ngày này đến ngày khác. Có tờ báo đưa tin, một thanh niên ở Hà Đông (Hà Nội) đã chạy ô tô cả 30 km chỉ để đến cây xăng này đổ nhiên liệu. Hay trên mạng xã hội Facebook, một nữ nhà thơ khá nổi tiếng đang sống ở TP. Hồ Chí Minh không ngần ngại chia sẻ: “Nếu ở Sài Gòn có trạm xăng như thế này, xa cách mấy mình cũng tìm đường tới đổ xăng”.
Ảnh internet |
Vì sao có chuyện lạ đời như vậy?
Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy thử nhớ lại xem, đã bao giờ khi đi đổ xăng, bạn được nhân viên cây xăng chào hỏi hay đơn giản là nở một nụ cười? Tôi dám chắc, nhiều người sẽ trả lời là: Chưa. Và đã bao giờ bạn đi đổ xăng và biết rằng mình bị đong thiếu, bị móc túi nhưng không có cách nào phản bác lại hay đòi lại công bằng? Tôi tin rất nhiều người sẽ trả lời là: Có. Nếu không tin điều này, bạn cứ thử lên google gõ từ khóa “cây căng gian lận”, chỉ mất chưa đầy một giây đã cho ra 196.000 kết quả với đủ tên cây xăng từ Nam chí Bắc.
Nực cười ở chỗ, từ lâu, giới kinh doanh Việt Nam vẫn hay nhắc đến câu “Khách hàng là thượng đế” nhưng sự thực là ở nhiều nơi, không chỉ riêng các cửa hàng xăng dầu, cung cách phục vụ, ứng xử của nhân viên vẫn giống như ở các cửa hàng mậu dịch thời bao cấp, nghĩa là người bán có tư tưởng khách hàng cần mình chứ mình không cần khách hàng. Bởi tư tưởng đó nên mới “đẻ” ra những khuôn mặt nhân viên lạnh lùng, khinh khỉnh, mới có bún mắng, cháo chửi, cà phê đuổi như lâu nay báo chí vẫn phản ánh. Kinh khủng hơn, ở nhiều quán xá, cửa hàng, doanh nghiệp, người ta không những không coi khách hàng là “thượng đế” mà xem khách hàng chỉ là… “con gà” để vặt lông, chặt chém, móc túi.
Quay trở lại chuyện cây xăng của Idemitsu Q8, sở dĩ nó được quan tâm nhắc đến nhiều như vậy là bởi, người tiêu dùng Việt Nam đang khát thèm được trở thành những “thượng đế” đích thực. Và điều này thì Idemitsu với cung cách phục vụ chuẩn Nhật Bản đủ để làm hài lòng họ. Khi đến đây đổ xăng, khách hàng sẽ được nhân viên cúi chào, được lau gương, lau kính xe miễn phí. Và một điều rất quan trọng, Idemitsu Q8 cam kết bán xăng chính xác đến 0,01 lít, điều mà bất cứ ai khi bỏ tiền ra đổ xăng cũng mong muốn.
Ngay sau khi Idemitsu Q8 khai trương cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội, một số tờ báo đã đăng tải hình ảnh nhiều cây xăng của Petrolimex treo băng rôn với nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đặt nghi ngờ rằng đơn vị này đang có động thái phản đối doanh nghiệp Nhật Bản như cách taxi truyền thống phản đối taxi Uber, Grab thời gian qua. Tuy nhiên, đại diện Petrolimex sau đó đã phản đối thông tin này và cho rằng đơn vị treo băng rôn là để hưởng ứng chương trình của Bộ Công thương phát động từ nhiều năm nay về việc khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Mặc dầu vậy, người viết bài này cho rằng, thay vì chỉ cổ vũ lòng yêu nước, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt như trên, Petrolimex cần nhanh chóng, quyết liệt có sự thay đổi về cung cách kinh doanh trong toàn hệ thống nhằm đem lại sự hài lòng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhất là trong bối cảnh Idemitsu Q8 đang dự định mở thêm cây xăng ở nhiều địa phương khác ngoài Hà Nội. Bởi lẽ, dù có yêu nước đến đâu, khách hàng người Việt cũng sẽ không chấp nhận thiệt thòi về quyền lợi khi mà họ ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn tốt hơn.
Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam đang được coi là một thị trường màu mỡ để các tập đoàn bán lẻ nước ngoài “đổ bộ” giành giật thị phần. Thực tế, thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Lotte Mart, BigC, Metro, Parkson…đã đầu tư rất lớn vào thị trường bán lẻ nước ta. Với sự vững mạnh về tài chính cùng phương thức, chất lượng phục vụ ưu việt, những “đại gia” này đã mang đến cho người Việt nhiều cơ hội tốt hơn khi mua sắm, song lại đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó khăn trong cuộc cạnh tranh. Để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp nước ta cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là về chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm. Chỉ khi nào các doanh nghiệp Việt Nam thật sự coi “khách hàng là thượng đế” thì họ mới có cơ hội tồn tại và phát triển vững mạnh, bởi khách hàng chính là nguồn sống, là người quyết định số phận của mỗi doanh nghiệp.
Lê Hà