Khám phá bí mật về mặt trăng Cressida

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặt trăng Cressida của Thiên Vương tinh hoàn toàn có thể nổi khi được đặt trong một bồn nước khổng lồ, theo kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu đầu tiên đo đạc trọng lượng và mật độ của vệ tinh tự nhiên của hành tinh thứ 7 tính từ mặt trời.
 

Mặt trăng Cressida của Thiên Vương tinh.
Mặt trăng Cressida của Thiên Vương tinh.

Cressida là một trong ít nhất 27 mặt trăng đang xoay quanh Thiên Vương tinh.

Trong báo cáo đăng trên arXiv.org, chuyên gia Robert Chancia của Đại học Idaho ở Moscow (Nga) và đồng sự đã tính toán tỷ trọng và khối lượng của Cressida nhờ vào những biến thiên ở một vành đai bên trong của sao Thiên Vương khi hành tinh đi ngang một ngôi sao ở đằng xa.

Nhóm chuyên gia phát hiện tỷ trọng của mặt trăng này là 0,86 gr/cm3 và khối lượng được xác định 2,5 x 1.017 kg. Việc xác định được hai thông số trên sẽ giúp giới nghiên cứu xác định được Cressida có thể va chạm với một mặt trăng khác của Thiên Vương tinh hay không; thời điểm có thể xảy ra và điều gì sẽ xảy ra cho cả hai mặt trăng này.

Phi thuyền Voyager 2, do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên từ năm 1977, đã phát hiện Cressida và một số mặt trăng khác khi nó bay ngang Thiên Vương tinh vào năm 1986. Nhóm vệ tinh tự nhiên này, cùng với 2 mặt trăng được tìm thấy vào năm ngoái, xoay quanh sao Thiên Vương trong vòng khoảng cách 20.000 km, tạo nên vùng không gian có mật độ thiên thể chật chội nhất trong hệ mặt trời. Tình trạng này không sớm thì muộn sẽ đẩy các mặt trăng lao vào nhau. Vào năm 1997, các nhà khoa học ước tính một mặt trăng tên Desdemona sẽ đụng độ với Cressida trong vòng 4 - 100 triệu năm nữa.

Tuy nhiên, các thông số mới cho phép họ rút ngắn lại thời điểm va chạm, dự kiến sẽ xảy ra trong vòng 1 triệu năm, theo trang tin Science News. Việc xác định cấu tạo của các mặt trăng cũng có thể giúp dự đoán vận mệnh của chúng sau va chạm: liệu chúng sẽ kết hợp, bật khỏi nhau hoặc vỡ tan thành hàng triệu mảnh vụn?

Hạo Nhiên/thanhnien

Có thể bạn quan tâm