Kéo dài thời gian cho vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn: Yêu cầu từ thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai vừa kiến nghị Trung ương tiếp tục cho vay vốn sản xuất kinh doanh đối với hộ người Kinh tại các xã thuộc vùng khó khăn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đề xuất, các hộ này tiếp tục được vay vốn chương trình này thêm 3 năm nhằm đảm bảo nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.

Đây là chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH dành cho các gia đình không phải hộ nghèo sinh sống ở khu vực khó khăn hoặc khu vực đặc biệt khó khăn. Thông qua chương trình, các hộ được vay vốn ngân hàng tối đa 50 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản với lãi suất ưu đãi 0,75%/tháng, thời gian vay là 3 năm, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua 13 năm triển khai, chương trình đã “tiếp sức” cho nhiều gia đình ở vùng khó khăn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định. Tuy nhiên, chương trình này hiện đang gián đoạn khi một số xã vùng khó khăn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bởi lẽ, theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ thì hộ người Kinh đang sinh sống tại các xã nói trên sẽ không được tiếp tục vay vốn của chương trình.

 Nguồn vốn từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã trợ giúp nông dân có thêm nguồn lực đầu tư mùa vụ. Ảnh: S.C
Nguồn vốn từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã trợ giúp nông dân có thêm nguồn lực đầu tư mùa vụ. Ảnh: Sơn Ca


Bà Đinh Thị Phê (thôn Bình Giang, xã Hneng, huyện Đak Đoa) cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư 1 ha cà phê. Theo thông báo, tới tháng 6-2021, món vay đến hạn trả nợ và sẽ không được tiếp tục vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Nghe thông tin này, tôi rất lo lắng chưa biết tính sao”.

Huyện Đak Đoa hiện còn 5 xã, thị trấn thuộc khu vực II và 4 xã khu vực III. Trong số đó có 2 xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Hneng và Đak Krong. Hiện nay, toàn huyện có tổng dư nợ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 62 tỷ đồng, với 2.270 khách hàng. Chỉ riêng 2 xã Hneng và Đak Krong đã có 94 hộ vay với dư nợ hơn 2,34 tỷ đồng sắp đến hạn trả nợ và sẽ không được tiếp tục vay vốn chương trình này.

Trước những khó khăn của người vay vốn, ông Nguyễn Văn Ngọc-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa-đề xuất: “Nhu cầu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của người dân rất lớn nhưng nguồn vốn chương trình được phân bổ có hạn. Hiện tại, các hộ người Kinh không thuộc diện hộ nghèo, rất khó tiếp cận nguồn vốn vay thương mại nên đa phần vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chương trình cho vay giải quyết việc làm. Chúng tôi đề nghị Trung ương nên cân đối tăng nguồn vốn cho vay để nâng mức cho vay, mở rộng đối tượng cho vay để nhiều người được tiếp cận tín dụng chính sách hơn”.

Theo thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn toàn hệ thống đã đạt hơn 849 tỷ đồng, với 25.994 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ hộ vay người Kinh hơn 518 tỷ đồng, với 15.648 hộ (chiếm 60,1% số hộ dư nợ). Có 143 xã khu vực II và khu vực III đang thụ hưởng chương trình tín dụng này. Hàng năm, Trung ương đều quan tâm cân đối và phân bổ vốn cho chương trình. Nhờ đó, Chi nhánh có thêm nguồn lực triển khai cho vay, giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng khó khăn.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách như đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn; còn người Kinh thì không được hưởng. Do đó, Chi nhánh kiến nghị Trung ương cho phép kéo dài thêm 3 năm thực hiện chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đối với các hộ người Kinh sinh sống ở các xã vùng khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới để họ tiếp tục được vay vốn của chương trình, giúp đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống”.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).