(GLO)- Một vài năm trở lại đây, khi giá cả chanh dây tăng vọt, người dân huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai ồ ạt phá cây cà phê để trồng chanh dây. Việc chặt cây công nghiệp lâu năm để chạy theo giá cả thị trường đang phá vỡ cơ cấu cây trồng huyện Mang Yang và tiềm ẩn những rủi ro.
Người dân dọn vườn trồng cây chanh dây. Ảnh: Nguyễn Nhật |
Trong thời gian qua, bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân vẫn phá bỏ nhiều diện tích cà phê và một số loại cây khác để trồng cây chanh dây. Thấy nhiều hộ dân trong xã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ cây chanh dây, trong khi giá cà phê ngày càng xuống thấp (hiện tại khoảng 30.000 đồng/kg hạt nhân), gia đình ông Nguyễn Văn Thức (thôn DGơr, xã Đak Djrăng) đã quyết đinh chặt 300 gốc cà phê để chuyển sang trồng chanh dây. Năm ngoái giá cà phê xuống thấp, thêm nữa lại hạn hán mất mùa khiến hơn 1.500 gốc cà phê của gia đình ông Thức chỉ thu được 4 tấn nhân, trừ chi phí đầu tư, tính ra không có lãi. Ông cho biết: “Cà phê phải 1 năm mới thu được một lần trong khi 1 kg cà phê tươi chỉ có 7 ngàn đồng. Còn chanh dây thì khác, chỉ 6 tháng là được thu mà 1 kg chanh tươi bán được những 20 ngàn đồng, quá lời so với cà phê. Bởi vậy năm nay tôi quyết định chặt bớt cà phê để chồng chanh dây. Cà phê rớt giá mãi muốn người nông dân chung thủy với nó cũng khó”.
Gia đình ông Nguyễn Thiệp (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng) có vườn cà phê đang cho thu hoạch. Vừa qua, ông Thiệp quyết định thuê người đào bỏ vườn cây này để lấy đất trồng 300 gốc chanh dây. Nói về việc phá cà phê trồng chanh dây, ông Thiệp lý giải: “Gia đình tôi bắt đầu trồng cà phê từ năm 1995, đến nay cây cà phê cũng già cỗi lại thêm khí hậu khiến cây trồng không còn năng suất, hơn nữa giá cả lại giảm nên gia đình tôi quyết định chặt cà phê để lấy đất trồng chanh dây”.
Ông Nguyễn Bá Tấn-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng nhận định: “Đây là tình trạng bất thường. Chúng tôi không khuyến khích bà con trồng chanh dây, bởi lo ngại chưa biết giá chanh dây rớt chừng nào, đến lúc đó chỉ có người nông dân chịu khổ. Chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con trong nhiều cuộc họp nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này xảy ra”.
Bà Sen, một thương lái chuyên thu mua quả chanh dây trên địa bàn huyện Mang Yang cho biết, trung bình một ngày gia đình bà mua 2-3 tấn. Sau đó mang về sơ chế, bỏ vào thùng đóng gói rồi xuất bán sang Trung Quốc. “Giá chanh dây cũng lên xuống thất thường lắm. Có lúc giá xuống chỉ 8.000 đồng/kg nhưng hiện nay là trên 20.000 đồng/kg. Nếu người ta không mua nữa thì tôi cũng dừng thu mua, còn bà con khi đó không có chỗ bán thì quay lại trồng cây cà phê hay chuyển qua trồng cây khác”-bà Sen cho biết thêm cây chanh dây có lợi cho sức khỏe nên được dùng làm nước giải khát làm gia vị.
Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho biết, cây chanh dây xuất hiện và được trồng trên địa bàn mới 3 năm nay. Chỉ tính riêng từ năm 2016, diện tích trồng chanh dây đã tăng thêm 50 ha, nâng tổng diện tích chanh dây lên 180 ha và đang có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo ông Cơ, nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi trồng chanh dây là vì đây là cây “siêu lợi nhuận” khi đầu tư 100 triệu đồng/ha, thu hoạch bình quân cũng được khoảng 1,5 tỷ đồng. Một nguyên nhân khác người dân ít mặn mà với việc tái canh cây cà phê là vì hạn hán và giá đang giảm mạnh.
Nguyễn Nhật