(GLO)- Liên quan đến vụ tiêu cực đấu thầu thuốc tại Sở Y tế mà 9 bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của sở này phải ra trước vành móng ngựa, vừa qua, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao quyết định kháng nghị để Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm. Theo quyết định kháng nghị thì Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng không đúng quy định của pháp luật, chưa thể hiện tính nghiêm minh và bản án được tuyên gây dư luận không tốt trong xã hội.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Huỳnh Lê |
Theo kết quả vụ án, quá trình xét thầu ở bước đánh giá về mặt kỹ thuật, trong 3 năm (2008-2010), tổ chuyên gia xét thầu thuốc tại Sở Y tế lúc bấy giờ đã có hành vi xét thầu sai. Cụ thể, có 9 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại hồ sơ mời thầu nhưng các cán bộ phụ trách cho rằng không đạt tiêu chí nên loại ra, không đưa vào xét tiếp ở bước xác định giá. Hành vi này dẫn đến 9 mặt hàng thuốc dự thầu khác có giá chào thầu cao hơn được trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 7.467.393.007 đồng. Đồng thời, có 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai xuất xứ (nơi sản xuất): hồ sơ mời thầu danh mục thuốc của khối nước châu Âu sản xuất, nhà thầu đưa thuốc của Việt Nam hoặc thuốc của các nước châu Á vào dự thầu. Lẽ ra tổ chuyên gia xét thầu phải loại ra không xét tiếp đối với các trường hợp này nhưng lại xét đạt, cho trúng thầu gây thiệt hại cho Nhà nước 1.124.058.299 đồng.
Như vậy, với 9 mặt hàng thuốc có giá cao và 7 mặt hàng thuốc sai xuất xứ, tổ chuyên gia Sở Y tế đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước tổng cộng trên 8,59 tỷ đồng. Từ đó, ngày 26-4-2013, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt các bị cáo về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Đoàn Cường (nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược) 48 tháng tù; Phan Minh Hiếu (nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y) 45 tháng tù; Đặng Đức Châu (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) 39 tháng tù; Nguyễn Thị Kim Liên (nguyên chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y dược) 36 tháng tù; Rmah Plih (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài vụ) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Bùi Ngọc Thư (nguyên Phó phòng Kế hoạch-Tài vụ) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo cùng về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Công Nhân (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) 30 tháng tù, Lê Khánh Lân (nguyên cán bộ Phòng Kế hoạch-Tài vụ) 24 tháng tù và Phùng Xuân Quýnh (nguyên Giám đốc Sở Y tế) 18 tháng tù nhưng tất cả đều cho hưởng án treo (chúng tôi không đề cập đến phần trách nhiệm dân sự-N.V).
Trên cơ sở có kháng cáo của một số bị cáo, ngày 23-8-2013, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã sửa một phần bản án sơ thẩm. Theo đó, xử phạt Đặng Đức Châu 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Nguyễn Thị Kim Liên 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, vừa qua Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng với hai phán quyết của hai cấp xét xử đã áp dụng không đúng pháp luật. Trong vụ án này, hành vi của các bị cáo phạm vào tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù và tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm. Mặc dù các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ nhưng tòa án 2 cấp vẫn “đánh giá không đúng tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo, áp dụng không đúng quy định của pháp luật về chế định án treo, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng-chống tội phạm… gây dư luận không tốt trong xã hội”-kháng nghị nêu rõ.
Huỳnh Lê