(GLO)- Vào dịp Tết đến Xuân về, người xa quê thường tìm mua những món quà ý nghĩa để tặng người thân. Một trong những đặc sản từ rừng mà người xa quê chọn là mật ong rừng. Mật ong rừng Tây Nguyên là một thức ăn bổ dưỡng, là vị thuốc quý và là mặt hàng xuất khẩu giá trị kinh tế cao.
Tây Nguyên-vùng đất nổi tiếng về đặc sản rừng, đặc biệt là mật ong rừng để càng lâu càng cô đặc và thơm ngon, không đóng đường, mật trong. Hiện nay, các vùng như: TP. Pleiku, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ, Kbang… (Gia Lai) và Đak Tô (Kon Tum) là nơi có nhiều người nuôi ong lấy mật.
Người Bahnar ở các xã như: Krong, Đak Rong, Kon Pne… huyện Kbang hiện vẫn nuôi ong theo cách truyền thống bởi loại mật này giá trị cao gấp hàng chục lần so với mật ong nuôi. Hàng năm cứ vào đầu mùa khô (tháng 11) là bà con vào rừng làm tổ cho ong. Mỗi người mỗi cách, người thì treo tổ trên cây để “dụ” ong khói; người thì chọn các hốc cây cổ thụ để “dụ” ong ruồi về làm tổ. Đến tháng 3, bà con bắt đầu vào rừng lấy mật. Nuôi ong trong rừng của người dân nơi đây đã trở thành nghề truyền thống, chỉ riêng xã Krong, người dân đang quản lý vài ngàn tổ ong rừng. Hộ nhiều nhất có đến hàng trăm tổ ong, mỗi mùa thu được cả tạ mật ong rừng nguyên chất.
Theo kinh nghiệm của người nuôi ong, dù cách nuôi ong truyền thống cho giá trị mật cao vì người ta cho rằng ong nuôi trong rừng hút được nhiều hương hoa từ rừng nên mật ngon hơn. Nhưng theo các chuyên gia nuôi ong thì ong nào cũng phải sống trong rừng mới tạo được mật. Hiện nay, ong được người nuôi trong thùng khi xuất khẩu mật lại được đối tác chấp thuận nhưng ong rừng thì không, vì trong mật ong rừng có nhiều vi khuẩn.
Lý giải về điều này, ông Lê Tiên-người đầu tiên sáng lập ra Hội Nuôi ong Gia Lai (hiện ở số nhà 2B-Tăng Bạt Hổ-TP. Pleiku), cho rằng: Hồi trước ở Gia Lai ong nuôi chưa có, chủ yếu người dân dùng mật ong rừng theo cách nuôi dân dã, truyền thống của người bản địa. Ong hoang dã nên bất kể nước bẩn hay những loài hoa có cả chất độc cũng được ong hút lấy mật. Hơn nữa, khi ong tạo mật, người dân lấy tay vắt nên mật không được vệ sinh. Còn ong nuôi thì có máy quay mật li tâm, khi từng giọt mật nhỏ xuống những đồ dùng như thùng, chậu đều được vệ sinh, tiệt trùng. Vì thế, mật ong đảm bảo được độ tinh khiết, vô trùng.
Còn ông Trần Hữu Định, 13 năm gắn bó nghề nuôi ong, hiện có cơ sở bán mật ong Thanh Định, 104 Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku, hiểu từng chân tơ kẽ tóc về các loài ong cho mật, nói: Ong lỗ tự tạo lỗ dưới đất để cho mật. Ong khói làm tổ trên cành cây, ong ruồi làm tổ trong các bọng cây, nhưng các giống ong này cho mật rất ít. Hiện nay, ong Ý được du nhập về Việt Nam từ thời chế độ cũ đang được người dân nuôi nhiều, vì loài ong này cho mật gấp nhiều lần các giống ong nêu trên. Ông Định cho biết: “Ong nào cũng phải hút hoa thơm trái ngọt từ rừng mới tạo mật. Ong ăn đường không bao giờ nhả mật. Chính vì thế mùa nào thức đó, người nuôi ong thường xuyên phải sống trong rừng. Và họ thường chọn Tây Nguyên để lập nghiệp, bởi Tây Nguyên có khí hậu ôn hòa, thích hợp với loài ong.
Hơn nữa, đây cũng là vùng nguyên liệu lấy mật rộng rãi, thậm chí sang cả Campuchia, chất lượng mật ong ở đây có giá trị dinh dưỡng rất cao. Từ tháng 1 đến tháng 4, vùng Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, ong cho mật từ lá cao su và hoa cà phê. Chất lượng mật ong từ cao su được khách nước ngoài đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Đến tháng 5, tháng 6 thì thu mật từ hoa keo, hoa nhãn. Từ tháng 7 đến tháng 11 xuôi về vùng Kbang, Kông Chro ong ăn hoa mì, hoa bắp. Còn khi giao mùa từ tháng 4 đến tháng 10 nhiều người nuôi ong dưỡng đàn (duy trì nòi giống đàn ong) lúc này mới cho ăn đường, không tạo mật.
Hiện nay mật ong từ rừng Tây Nguyên còn xuất khẩu ra nước ngoài. Giá bán trung bình từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/lít, tùy vào từng loại mật. Mật ong đang được bày bán nhiều trên đường Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku. Niềm vui lớn nhất ở các cơ sở bán mật ong này là trong những ngày cuối năm, nhiều du khách tìm đến để mua về làm quà biếu đầu Xuân.
Đinh Yến