Hơn 80% số đơn thư khiếu nại tố cáo ở Đắk Nông đều liên quan đến đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hơn 80% các vụ việc khiếu nại tố cáo, đặc biệt là khiếu nại tố cáo kéo dài ở tỉnh Đắk Nông đều liên quan đến vấn đề đất đai. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tập trung xử lý các đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến vấn đề này.
Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo ở Đắk Nông đều liên quan đến đất đai. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo ở Đắk Nông đều liên quan đến đất đai. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều vụ việc liên quan đến đất đai

Ở cấp tỉnh, tình hình khiếu nại tố cáo về vấn đề đất đai khá nổi cộm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, trong 5 năm gần đây, đơn vị đã tiếp 368 lượt công dân, trong đó có 11 đoàn đông người. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 1.134 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có 1.060 đơn đủ điều kiện.

Ở cấp huyện, Đắk R’lấp là địa phương triển khai thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội đứng đầu tỉnh Đắk Nông. Trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã phát sinh khá nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân.

Theo thống kê của UBND huyện Đắk R’lấp, trong 5 năm gần nhất, toàn huyện tiếp hơn 1.600 lượt công dân. Trong đó, có 31 đoàn đông người. Bên cạnh đó, toàn huyện còn phát sinh hơn 1.400 vụ việc khiếu nại tố cáo, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai.

“Phần lớn các vụ việc khiếu nại tố cáo phát sinh từ việc thực hiện các dự án lớn trên địa bàn như: Alumin Nhân Cơ, Khu công nghiệp Nhân Cơ… Một số vụ việc có tính chất đông người, phức tạp, kéo dài và tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm” - lãnh đạo UBND huyện Đắk R'lấp cho hay.

Nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Chí Trung, trên 80% đơn thư khiếu nại tố cáo ở lĩnh vực đất đai. Trong đó, rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai và bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Ông Trung cho rằng, có một bộ phận người dân có dấu hiệu đòi hỏi quyền lợi khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là những trường hợp chưa đến mức trục lợi. Tuy nhiên, người dân vẫn mong muốn điều mình cần nên khi Nhà nước chưa đáp ứng thì họ khiếu nại tố cáo.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sôi động thời gian qua đã làm gia tăng các quan hệ giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Nhiều trường hợp đất đai chưa có sổ đỏ vẫn được mua bán, sang nhượng bằng giấy viết tay.

Đây là cơn nguồn của những trường hợp tranh chấp đất đai. Mặc dù cơ quan Nhà nước đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa nhưng nhiều trường hợp vẫn chọn con đường phản ánh lên chính quyền.

Ông Trung cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh đơn thư khiếu nại tố cáo chủ yếu là do việc giải quyết thủ tục hành chính, chế độ chính sách… từ cấp cơ sở.

Nhiều vụ việc phát sinh chưa được cấp cơ sở giải quyết thỏa đáng. Đây là nguyên nhân khiến người dân không hài lòng, làm phát sinh đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp, kéo dài.

Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm