Là một trong số ít học viên biết tiếng Việt, chị Ăm Phay Xon-Phêng Chăn Thô khá cởi mở khi trò chuyện với chúng tôi. Chị cho biết: Bản thân chị là quân nhân được Quân đội Lào cử sang đây để học về trồng trọt và chăn nuôi. Lúc mới sang, chị cũng rất bỡ ngỡ, nhưng hiện đã quen với giờ giấc học tập, sinh hoạt tại đây.
“Tôi thấy tỉnh Gia Lai rất đẹp. Chúng tôi sang đây học tập đã 2 tháng. Cuối tuần đều được cán bộ Trường Cao đẳng Nghề số 21 dẫn đi tham quan TP. Pleiku và nhiều danh lam thắng cảnh khác. Nhiều bạn trong lớp không biết tiếng Việt nên tôi và thầy giáo trợ giảng tận tình hướng dẫn để mọi người hiểu hơn về phong tục tập quán của người Việt Nam”-chị Ăm Phay Xon-Phêng Chăn Thô chia sẻ.
Còn anh Khăm Phăn-In Tha Vông thì cho biết: Quê anh ở huyện Chăm Tha Bu Ly, Thủ đô Viêng Chăn. Khi được cử sang học ở đây, các học viên đều được lãnh đạo Binh đoàn 15 và nhà trường quan tâm tạo mọi điều kiện. “Chúng tôi luôn trân trọng tình cảm của mọi người ở đây dành cho mình. Khi trở về nước, chúng tôi sẽ kể những câu chuyện đẹp ở đây để mọi người thấy được tình cảm của người dân Việt Nam đối với Nhân dân Lào, đồng thời sẽ áp dụng các kiến thức học được để góp phần xây dựng quê hương chúng tôi ngày càng giàu đẹp”-anh Khăm Phăn-In Tha Vông tâm sự.
Trong khi đó, chị Xỉn Đa Văn-Keo Khăm Phổn chia sẻ: “Chúng tôi được cử sang đây học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp để về phổ biến cho người dân. Tôi cũng đã đi thực tế nhiều trang trại, cánh đồng của Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm về cách chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi về nước, chúng tôi sẽ phổ biến những kiến thức học được tại Việt Nam để người dân Lào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Từ năm 2022 đến nay, 100 học viên của nước bạn Lào đã được Binh đoàn 15 tiếp nhận và giao cho Trường Cao đẳng Nghề số 21 phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi lớp tập huấn kéo dài 3 tháng. Tại đây, các học viên được tiếp thu một số chuyên đề về ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện nước Lào; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn cách sơ chế, chế biến, bảo quản một số sản phẩm nông nghiệp…
Tiến sĩ Trần Đăng Khoa (Khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế) cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để truyền đạt những kiến thức về nông nghiệp đến các học viên. Đặc biệt, trong mỗi tiết học, chúng tôi đều đưa ra các tình huống, các loại dịch bệnh để học viên trao đổi, thảo luận. Mặt khác, chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế để học viên nhớ rõ lý thuyết gắn với thực hành”.
Theo Đại úy Nguyễn Hữu Nam-Cán bộ Phòng Chính trị (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 385, Binh đoàn 15) kiêm phiên dịch viên của lớp học: Đơn vị luôn coi học viên của bạn như người thân trong gia đình. Từ đó, chúng tôi tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn nhằm động viên các bạn yên tâm học tập.
Một số học viên sau khi hoàn thành khóa học, trở về quê hương áp dụng các kiến thức đã học được vào trồng trọt, chăn nuôi, gặp khó khăn đều liên hệ với cán bộ Đoàn 385 để trao đổi. Nhiều mô hình đã được các học viên áp dụng thành công.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Binh đoàn tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên của nước bạn khi sang tập huấn, học tập kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, Trường Cao đẳng Nghề số 21 đã tổ chức cho các học viên tham quan một số địa danh lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Pleiku, Nhà truyền thống Binh đoàn 15, các trung tâm đào tạo, các đơn vị thuộc Binh đoàn 15; giao lưu văn nghệ, thể thao.
Qua đó, các học viên hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh đoàn 15 nói riêng. Chúng tôi mong muốn các học viên sau khi về nước sẽ vận dụng kiến thức, kinh nghiệm được học tập tại Trường Cao đẳng Nghề số 21 vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa 2 nước”.