Học nghề là cơ sở để lập thân, lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trò chuyện với P.V, chị Nay HHao (buôn Hiao, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) cho hay: Sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đông Gia Lai, chị quyết định tham gia học nghề tại Khoa Nông-lâm (Trường Cao đẳng Gia Lai). Trong quá trình học tập tại đây, chị được miễn học phí, ở ký túc xá và được hỗ trợ gần 1,1 triệu đồng/tháng.
Sau khi học nghề, chị Nay H'Hao (thứ 2 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) tìm được việc làm và có thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.Y

Sau khi học nghề, chị Nay H'Hao (thứ 2 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) tìm được việc làm và có thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.Y

“Sau khi ra trường, tôi làm quản lý cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp tại Công ty TNHH một thành viên Thái Bình Gia Lai. Hiện mức thu nhập của tôi dao động trong khoảng 9-15 triệu đồng/tháng (tùy vào khả năng bán hàng). Làm công việc này đúng với ngành nghề theo học và có thời gian phụ giúp cho gia đình”-chị H'Hao bày tỏ.

Còn anh Trương Công Đương (thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) thì cho biết: Năm 2005, sau khi học hết lớp 9, anh quyết định chuyển sang học nghề. Năm 2009, anh đăng ký học trung cấp nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Gia Lai và học tiếp văn hóa để nhận bằng trung học chuyên nghiệp. Sau 2 năm học tập, anh xin vào thực tập tại cơ sở sửa chữa máy nghiền đá tại TP. Pleiku và được trả lương 9 triệu đồng/tháng.

“Năm 2012, tôi ra trường và đi làm để rèn luyện tay nghề. Đến năm 2018, tôi và một người bạn góp vốn, mua đất, mở xưởng cơ khí Hùng Đương. Đến nay, xưởng đã có thêm nhiều khách hàng, hoạt động ổn định”-anh Đương chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Thị Thảo-Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và hỗ trợ học sinh, sinh viên (Trường Cao đẳng Gia Lai): “Anh Trương Công Đương không chỉ khẳng định lựa chọn hướng đi đúng trên con đường lập thân, lập nghiệp mà còn truyền ngọn lửa đam mê học nghề cho nhiều bạn trẻ. Khi có dịp, nhà trường thường mời anh về tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Hiện xưởng cơ khí của anh Đương còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng”.

Những năm gần đây, công tác hướng nghiệp được chú trọng ngay từ bậc THCS. Việc này giúp bản thân người học nhận thức được năng lực, xác định sở thích, mong muốn nghề nghiệp trong tương lai để có lựa chọn phù hợp. Học nghề là một trong những lựa chọn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống trong tương lai. Các cơ sở đào tạo nghề cũng đẩy mạnh các chương trình liên kết nhằm tạo cơ hội cho học viên thực hành, tiếp cận với doanh nghiệp, tăng khả năng có việc làm sau khi ra trường.

Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-thông tin: Hiện nay, nhà trường ký kết biên bản ghi nhớ với hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, liên kết với hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đưa học sinh đi thực tập, giới thiệu việc làm.

Ngoài ra, nhà trường còn liên kết, mời một số doanh nghiệp về thỉnh giảng và góp ý chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá đầu ra thay vì chỉ nhận học sinh, sinh viên thực tập như trước đây. Nhờ đó, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 90%.

Học sinh Trường Cao đẳng Gia Lai học nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: Đinh Yến

Học sinh Trường Cao đẳng Gia Lai học nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: Đinh Yến

Ông Nguyễn Hồng Phong-Trưởng phòng Đào tạo Toyota Gia Lai-nhận xét: “Chúng tôi hài lòng với chất lượng đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Gia Lai. Thời gian bố trí cho học sinh, sinh viên thực hành chiếm đến 70%. Còn thời gian thực tập tại các doanh nghiệp cho mỗi nghề là 3-6 tháng. Ngoài ra, học sinh, sinh viên năm thứ nhất đi thực tế tại doanh nghiệp từ 4 đến 8 tuần/năm học. Nhờ đó, sau khi ra trường, học sinh, sinh viên không cần trải qua các khóa đào tạo lại mà chỉ cần tìm hiểu quy trình tại đơn vị là có thể bắt tay vào làm được việc ngay”.

Sau khi tìm hiểu lợi ích của việc học nghề, ông Huỳnh Ngọc Tấn (tổ 6, phường Hội Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Khi con trai tốt nghiệp THPT, tôi sẽ định hướng cho cháu chọn học cao đẳng công nghệ kỹ thuật cơ khí. Theo tìm hiểu của tôi, ngành này thị trường lao động đang rất cần và có mức thu nhập ổn định. Sau khi tốt nghiệp ra trường, cháu có thể đi làm việc ở một số doanh nghiệp một thời gian để có thêm kinh nghiệm rồi mở cơ sở kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình”.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.