Hiệu quả từ cánh đồng lúa một giống ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm thay thế các giống lúa đã thoái hóa, năng suất thấp bằng những giống mới năng suất, chất lượng cao, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) phối hợp cùng Công ty cổ phần Giống cây trồng-Vật nuôi Thừa Thiên-Huế thực hiện mô hình cánh đồng một giống tại 4 xã Hà Bầu, Ia Pết, Hnol và Glar. Đây là bước đi đột phá mới hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Đak Đoa.
Niềm vui từ giống mới
Ngoài các loại cây công nghiệp dài ngày thì lúa nước cũng là cây trồng chủ lực của huyện Đak Đoa với tổng diện tích gieo trồng hàng năm hơn 6.400 ha. Tuy nhiên, hầu hết người trồng lúa là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn hạn chế, sử dụng các giống lúa đã thoái hóa, năng suất thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. 
Nhằm hỗ trợ người dân thay đổi tập quán sản xuất, thay thế các giống lúa năng suất thấp bằng những giống mới, năng suất chất lượng cao vào sản xuất đại trà cùng trên một cánh đồng, năm 2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa đã xây dựng phương án sản xuất lúa nước một giống tại 4 xã Glar, Hnol, Ia Pết và Hà Bầu với diện tích 900 ha, hỗ trợ khoảng 2.390 hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất 3 giống lúa mới là J02, ĐT 100 và HN6. Trong đó, người dân góp vật tư nông nghiệp và ngày công lao động.
Người dân tham quan mô hình cánh đồng lúa một giống J02
Người dân tham quan mô hình cánh đồng lúa một giống J02. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trên phương án được UBND huyện phê duyệt, vụ mùa 2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã hỗ trợ 1.713 hộ gia đình ở 4 xã Hà Bầu, Glar, Ia Pết và Hnol sản xuất 663 ha. Riêng cánh đồng lúa nước 2 xã Hà Bầu và Hnol sản xuất 206 ha cùng một loại giống J02; còn cánh đồng xã Glar và Ia Pết sản xuất 457 ha cùng một giống ĐT100. Đây là những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao đang được thị trường ưa chuộng, thời gian sinh trưởng từ 110-115 ngày, cây đẻ nhánh khá đều, cứng cáp, có khả năng chịu chua phèn và kháng sâu bệnh… Quy trình canh tác được Công ty cổ phần Giống cây trồng-Vật nuôi Thừa Thiên Huế chuyển giao. Ngoài ra, các đơn vị liên quan của huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con học tập, áp dụng… Người dân cùng xuống giống đồng loạt theo đúng lịch thời vụ để đảm bảo thời gian chăm sóc, thu hoạch. Đây là bước đi đột phá mới nhằm thay đổi tập quán sản xuất lúa nước theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất và giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. 
Qua thu hoạch thực tế, năng suất giống lúa nước J02 ước đạt 55-57 tạ/ha, cá biệt một số hộ đạt 70 tạ/ha, còn giống ĐT100 đạt 60 tạ/ha. Những hộ đầu tư theo hướng thâm canh năng suất đạt 90 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa chủ lực HT1 đang sản xuất từ 5-7 tạ/ha và cao hơn năng suất bình quân của huyện từ 10-12 tạ/ha.
Người dân làng Bối, xã Glar chăm sóc lúa Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân làng Bối, xã Glar chăm sóc lúa Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vụ mùa vừa rồi, ông Kung (làng Bối, xã Glar) được hỗ trợ giống lúa mới ĐT100 để trồng 1 sào lúa nước trên cánh đồng Kdơng. Sau khi thu hoạch năng suất đạt gần 7 tạ/sào, cao hơn các giống lúa cũ mà gia đình ông thường sử dụng từ nhiều năm nay. “Hạt gạo ĐT100 rất mềm, thơm ngon nên bà con rất thích giống lúa mới này. Mừng hơn nữa khi vụ Đông Xuân 2021-2022 gia đình tiếp tục được hỗ trợ giống lúa mới HN6 chất lượng cao để sản xuất cánh đồng một giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng thời tiết thuận lợi, hiện nay tôi đã xuống đồng loạt cùng các hộ trong làng để tránh hạn”-ông Kung phấn khởi nói. 
Nhân rộng cánh đồng một giống
Cánh đồng một giống mới đưa vào sản xuất vụ đầu tiên đã được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã tích cực tham gia hưởng ứng. Ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: Vụ mùa vừa rồi, người dân của xã được hỗ trợ giống lúa mới ĐT100 để sản xuất. Bà con rất phấn khởi thực hiện theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Qua thu hoạch năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với các giống lúa đã sử dụng từ nhiều năm nay. Không những vậy, lúa ít bị sâu bệnh do cùng xuống giống đồng loạt. Từ thành công này, vụ Đông Xuân 2021-2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ giống lúa HN6 để phát triển sản xuất cánh đồng một giống. Hiện nay, người dân của xã rất phấn khởi khi các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong những năm tới.
Người dân chăm sóc cánh đồng một giống. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân chăm sóc cánh đồng một giống. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V, ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Đây là năm đầu tiên ngành Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện mô hình cánh đồng một giống. Bước đầu, 2 giống lúa mới năng suất, chất lượng cao là J02 và ĐT100 tiếp tục được nhân rộng trong vụ Đông Xuân 2021-2022. Ngoài ra, huyện hỗ trợ thêm giống lúa mới HN6 sản xuất theo mô hình cánh đồng một giống để tạo đà cho người dân học tập, áp dụng trong những vụ sản xuất tới và hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Đak Đoa.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.