Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên đã bị xóa sổ, buộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải yêu cầu các địa phương giải trình và xử lý trách nhiệm
Số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công bố vào tháng 5-2020, tại 9 tỉnh diện tích rừng tự nhiên giảm gần 29.000 ha trong giai đoạn 2018-2019, trong đó, Đắk Lắk giảm nhiều nhất với hơn 11.400 ha, Đắk Nông giảm hơn 7.000 ha, Quảng Bình hơn 3.300 ha, Quảng Trị gần 2.000 ha… Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị rà soát diện tích rừng bị mất, diện tích bị sai lệch so với thực tế và làm rõ, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng.
Lâm tặc đánh dấu quyền sở hữu
Để tới được khu vực rừng pơmu tại Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi phải mất 2 ngày đi bộ. Tuy xa xôi, hiểm trở nhưng quần thể rừng pơmu quý hiếm ở đây đã bị lâm tặc tàn phá nhiều năm qua. Hiện trường vụ chặt hạ 19 cây pơmu gần đây (tháng 4-2020) nằm trọn trong khoảnh 4, Tiểu khu 1219, thuộc loại rừng phòng hộ. Ngoài ra, tại khu vực này, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều cây pơmu đã bị lâm tặc cưa một phần vào gốc cây khoảng 5-10 cm, một số cây còn bị đốt tại các vị trí cưa. Theo lực lượng bảo vệ rừng, đây là cách lâm tặc kiểm tra xem cây có hư hỏng bên trong hay không và đánh dấu quyền sở hữu, chờ cơ hội để cưa hạ.
Đây không phải lần đầu quần thể rừng pơmu hàng trăm năm tuổi thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý bị tàn phá. Chỉ tính riêng Tiểu khu 1219, từ năm 2018 đến nay đã ghi nhận 5 vụ khai thác gỗ trái phép khiến hàng trăm cây pơmu bị cưa hạ. Một điều lạ nữa là những vụ "tàn sát" rừng pơmu quy mô lớn tại đây được các lực lượng không phải chủ rừng phát hiện.
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, cho rằng nhiều người dân phải dựa vào rừng để kiếm sống, trong đó một bộ phận tham gia vào các nhóm lâm tặc chặt hạ, vận chuyển gỗ pơmu trái phép. Bên cạnh đó, các vụ phá rừng pơmu dù công an đã vào cuộc điều tra nhưng chưa có vụ án nào tìm ra được lâm tặc nên không có tính răn đe, phòng ngừa.
Tương tự, trong vài năm qua, rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pah… liên tục bị tàn phá. Điều thấy được là sau mỗi vụ phá rừng quy mô lớn là tỉnh, huyện đều có những văn bản rốt ráo yêu cầu chủ rừng, các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhưng thực tế thì rừng vẫn bị chặt hạ.
|
Hiện trường lâm tặc đốn hạ cây rừng tại một lâm phần trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk |
"Cạo trọc" rừng gần chốt bảo vệ
Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã có chuyến khảo sát tình trạng phá rừng trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (huyện Đắk Song) và Công ty TNHH MTV Đắk N’tao (huyện Đắk Song và Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Đây là những địa bàn nóng bỏng tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất trong thời gian gần đây ở tỉnh Đắk Nông khiến hàng ngàn hecta rừng bị xóa sổ.
Trên con đường mòn vào Tiểu khu 1104 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, ai cũng thấy xót xa trước những khoảnh rừng bị tàn phá, cây cối bị cưa hạ, nằm ngổn ngang hoặc đã bị đốt cháy phía sau tấm bảng "cấm phá rừng". Điều đáng nói là những khu vực này cách các chốt kiểm soát bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa không xa.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, từ chỗ chỉ có 7 hộ dân sinh sống vào năm 2002, đến nay đã có khoảng 300 hộ dân sinh sống trái phép trên lâm phần khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn. Hiện tổng diện tích rừng bị xâm chiếm đã lên tới hơn 5.000 ha.
Tương tự, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng xảy ra tràn lan tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Đắk N’tao. "Công ty đang rà soát diện tích rừng bị lấn chiếm. Nếu từ trước tháng 7-2014 thì công ty sẽ đề xuất vận động người dân thực hiện nông - lâm kết hợp, còn sau thời điểm trên thì giải tỏa. Tuy nhiên, người dân đã ở lâu rồi, đất rừng được mua bán, sang nhượng qua nhiều người nên rất khó xử lý" - ông Nguyễn Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, cho biết.
Số liệu mâu thuẫn Mặc dù theo số liệu của Bộ NN-PTNT thì diện tích rừng ở Đắk Lắk trong giai đoạn 2018-2019 giảm hơn 11.400 ha nhưng theo báo cáo đánh giá công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng năm 2019 và quý I/2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây cho thấy số liệu vi phạm lâm luật giảm một cách đáng kinh ngạc. Theo đó, kết quả kiểm tra, xử lý trong năm 2019, tổng số vụ vi phạm là 730 vụ, giảm 441 vụ (giảm 37,7%) so với cùng kỳ. Giải thích số liệu diện tích rừng bị phá, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết đây là số liệu lũy kế chứ không phải trong 1 năm. Sau khi có yêu cầu từ Bộ NN-PTNT, một mặt đơn vị đang yêu cầu các chủ rừng rà soát, báo cáo lại một lần nữa về số liệu diện tích rừng bị phá; một mặt, đơn vị đang tham mưu cho Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh để giải trình trước cho Bộ NN-PTNT về nguyên nhân dẫn đến có số liệu trên. |
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)