Giọng opera của núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tuổi 78, nghệ sĩ Siu Phich vẫn giữ dáng vẻ rắn rỏi của người con sinh ra từ núi rừng. Dù đã xa rời sân khấu từ rất lâu nhưng ký ức một thời gắn bó với nghệ thuật, với những chuyến về vùng sâu, vùng xa biểu diễn hay lưu diễn nước ngoài vẫn luôn hiện hữu trong ông.
Khởi đầu với nghệ thuật múa song chính chất giọng opera hiếm có đã giúp nghệ sĩ Siu Phich tiến xa và thành công. Người phát hiện ra chất giọng đặc biệt của ông Siu Phich là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Khi đó, ông Phich đang là nghệ sĩ múa của Đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Đến năm 1962, ông thi đậu Khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Học hết năm 3, ông Siu Phich được cử đi học tại Học viện Âm nhạc Trung Quốc. Năm 1966, ông về nước tiếp tục học tập và được Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu dìu dắt. “Thầy Trần Hiếu chính là người đã sinh ra tôi lần thứ 2 trên con đường nghệ thuật”-nghệ sĩ Siu Phich xúc động chia sẻ. Nhắc đến người thầy đặc biệt ấy, khuôn mặt ông lúc nào cũng rạng rỡ với nụ cười thường trực. “Tự hào nhất là khi tôi đi biểu diễn từ Bắc tới Nam, ai nghe cũng nói giọng của tôi giống hệt giọng của thầy, ấy là giọng trầm đặc biệt”-ông nói với ánh mắt lấp lánh sự hãnh diện. Sau 35 năm miệt mài trên con đường nghệ thuật, năm 1992, nghệ sĩ Siu Phich chính thức nghỉ hưu.
 Nghệ sĩ Siu Phich. Ảnh: P.V
Nghệ sĩ Siu Phich. Ảnh: P.V
Nhắc lại con đường nghệ thuật của mình, điều tự hào nhất đối với nghệ sĩ Siu Phich là được tham gia Đoàn Ca múa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng đơn vị này, năm 1967 ông đã có chuyến lưu diễn kéo dài 6 tháng qua 7 nước: Trung Quốc, Cuba, Liên Xô, Triều Tiên, Đức, Bulgaria, Hungary. Đó là kỷ niệm sâu sắc mà ông không thể nào quên. Đoàn đã dừng chân biểu diễn ở nước bạn Cuba suốt 2 tháng ròng ở khắp mọi miền. Đặc biệt, trong thời gian đoàn biểu diễn phục vụ 15 nước thuộc Cộng hòa Liên bang Xô Viết, Bộ Văn hóa Liên Xô lúc bấy giờ đã đề nghị nghệ sĩ Siu Phích và nhạc sĩ Xuân Hồng ở lại nước bạn để học chuyên sâu hơn. Thế nhưng, vì còn đang trên hành trình thực hiện nhiệm vụ nên cơ hội quý giá đó đành gác lại. Nghệ sĩ Siu Phich tâm sự: “Điều khiến tôi cảm thấy vui và nhớ nhất là suốt chuyến đi ấy, Bác Hồ luôn luôn dõi theo, ân cần hỏi thăm từng bữa ăn, giấc ngủ của các thành viên trong đoàn khiến mọi người ai cũng cảm thấy rất ấm áp và yên lòng”.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, dù có nhiều cơ hội để tiến xa hơn nữa nhưng ông chỉ chọn gắn bó với Đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên với mong muốn trở về chính mảnh đất mình đã sinh ra để phục vụ. Đi tới vùng biên giới, vào tận các buôn làng xa xôi, khó khăn, ông say sưa hát cho hơn 100 người nghe mà không cần micro. Opera vốn là thể loại âm nhạc rất hàn lâm, do vậy, để bà con dễ tiếp nhận, ông thường chọn các làn điệu dân ca Jrai, Bahnar, Xê Đăng quen thuộc để biểu diễn. Thỉnh thoảng, ông khoe giọng hát đẹp của mình bằng cách biến tấu ở một vài câu hát trong bài. Rồi ông ví dụ: “Khi hát bài “Con voi”, ở câu cuối thầy Trần Hiếu thường hát cao và nhẹ, thì tôi lại hát thấp xuống: “còn cái đuôi cũng đi sau luôn”. Tuy thể hiện câu hát ấy bằng một giọng trầm, thấp nhưng giọng ông vẫn âm vang. Theo nhịp cảm xúc, nghệ sĩ Siu Phich tiếp tục hát một trích đoạn trong vở nhạc kịch “Bên bờ Krông Pa”. Ở tuổi 78, dù giọng ông không còn khỏe như trước song trong từng âm vực, cách ngắt nhịp, cách lấy hơi, cách xuống giọng một quãng tám vẫn có thể cảm nhận nội lực tràn trề của người nghệ sĩ này.    
Nghệ sĩ ưu tú Trần Quang Tâm-nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-đánh giá rất cao người anh, người đồng nghiệp Siu Phich từng gắn bó một thời. “Ngoài Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu thì anh Siu Phich là người may mắn sở hữu chất giọng opera hiếm có. Suốt những năm tháng làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, anh Siu Phich đã có nhiều đóng góp, làm nên thành tích chung cho đoàn. Từ ngày anh Siu Phich nghỉ hưu, đoàn vẫn chưa tìm được giọng ca tương tự”-Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quang Tâm chia sẻ.
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.