(GLO)- Hiện nay, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã già cỗi, năng suất thấp cần phải tái canh. Để chương trình tái canh cà phê mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp đã tập trung tháo gỡ khó khăn về khâu giống.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai tính đến cuối năm 2015 là 93.100 ha. Trong số này có 18.554 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp cần tiến hành tái canh và ghép cải tạo. Ngày 5-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Quyết định số 587/QĐ-UBND ban hành kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch này, toàn tỉnh sẽ tái canh 13.610 ha và ghép cải tạo 50 ha cà phê. Trong đó, năm 2016 tái canh 4.302 ha, năm 2017 tái canh 2.217 ha, năm 2018 tái canh 2.270, năm 2019 tái canh 2.335 ha và năm 2020 tái canh 2.486 ha. Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tái canh được 1.153 ha.
Ảnh minh họa |
Để cung cấp giống cà phê cho người dân tái canh, niên vụ 2015-2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp nhận 600 kg hạt giống cà phê từ nguồn hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và cấp phát cho 6 địa phương trong tỉnh là các huyện: Chư Pah 130 kg, Chư Sê 130 kg, Đak Đoa 100 kg, Đức Cơ 100 kg, Mang Yang 100 kg, Kbang 100 kg. Trong đó, các huyện Mang Yang, Kbang, Chư Sê đã cấp phát hạt giống trực tiếp cho người dân tự gieo ươm. Riêng các huyện Đak Đoa, Đức Cơ, Chư Pah đã xuất ngân sách với tổng số tiền 745,9 triệu đồng giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông của huyện tổ chức gieo ươm, cấp phát cây giống cho người dân trồng tái canh.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình tái canh cà phê và tháo gỡ vướng mắc về giống phục vụ tái canh, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trồng cà phê hàng năm lập dự toán ngân sách phân bổ kinh phí giao Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và PTNT để mua hạt giống đảm bảo chất lượng của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên. Số hạt giống này, các đơn vị tổ chức gieo ươm, sản xuất cây giống hoặc ký kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để sản xuất cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, cấp phát cho người dân trồng tái canh theo kế hoạch hàng năm của địa phương.
Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trước đây, theo quy định tại Quyết định số 273/QĐ-TT-CCN ngày 3-7-2013 của Cục Trồng trọt, giống cà phê trồng tái canh phải có nguồn gốc xuất xứ và được cấp có thẩm quyền chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn về giống, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31-5-2016 quy định về giống trồng tái canh, sử dụng giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận, được phép sản xuất kinh doanh. Nguồn vật liệu nhân giống để sản xuất cây giống, chồi ghép phải được lấy từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cà phê đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn lọc các giống cà phê đảm bảo chất lượng, được công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR9, TR11...
Như vậy, quy trình tái canh mới không bắt buộc giống cà phê trồng tái canh phải được cấp có thẩm quyền chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng. Nếu người trồng cà phê sử dụng cây giống của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu Gia Lai hoặc mua hạt giống của các đơn vị, tự tổ chức gieo ươm để trồng tái canh thì đủ điều kiện, cơ sở để ngân hàng xem xét cho vay vốn thực hiện tái canh cà phê, không bắt buộc phải thực hiện việc luân canh ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê như quy định tại Quy trình tái canh trước đây của Cục Trồng trọt. Ngoài ra, theo Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 5-9 của UBND tỉnh, đối với các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 2-1-2015 của UBBND tỉnh thì người dân thực hiện chương trình tái canh được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống trồng tái canh cà phê và hỗ trợ 100% kinh phí cước vận chuyển từ nơi sản xuất giống về trung tâm xã theo giá thực tế tại thời điểm vận chuyển, mức hỗ trợ tối đa không quá 7,5 triệu đồng/hộ.
Lê Nam