(GLO)- Sáng 19-7, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm 2018. Với chủ đề: “Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, Hội nghị nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động và đề ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và trên 250 DN tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Ảnh: Đức Thụy |
Chủ đề của hội nghị lần này là vai trò của địa phương, của DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, từ vị trí 48/63 tỉnh, thành phố (năm 2014), năm 2017 tăng 5 bậc, lên vị trí 43. Đó là nỗ lực trong công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp, trong việc triển khai nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng DN.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Ba đồng hành, năm hỗ trợ cho doanh nghiệp”, tỉnh rất quyết tâm trong việc xây dựng một chính quyền luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đi đầu tiên với kết quả hết sức khiêm tốn. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tại hội nghị này, chúng ta cùng thảo luận để bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới, để có sự bứt phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai".
Để có những kết quả đáng phấn khởi về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đã có những nỗ lực vượt bậc trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh cho DN. Đó là từ công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng, cải cách quy trình tiếp nhận và trả kết quả, quy trình thụ lý và xử lý hồ sơ đăng ký DN với thời gian ngắn nhất. Cơ quan thuế cũng đổi mới theo hướng đơn giản hóa các quy định quản lý thuế đối với hộ nộp thuế theo phương pháp khoán đi đôi với khuyến khích và hỗ trợ chuyển sang thành lập DN theo mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh, đẩy mạnh công tác nộp thuế qua mạng thông qua các ngân hàng thương mại, đến nay 100% đơn vị thực hiện nộp thuế điện tử, triển khai và vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động. Ngành Hải quan cũng tích cực hỗ trợ DN với thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đảm bảo còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 đối với thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan. Ngành Xây dựng đã rút ngắn thời gian cấp phép, thời gian thẩm định. Việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu từ 30 ngày làm việc xuống 20 ngày, giảm 10 ngày so với quy định.
Bên cạnh đó, các sở, ngành tiếp tục rà soát để tham mưu UBND tỉnh bãi bỏ các quy định không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp, cụ thể là bãi bỏ các quy hoạch thuộc lĩnh vực sản phẩm theo quy định của Luật Quy hoạch như: quy hoạch trồng cỏ, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, quy hoạch kinh doanh xăng dầu, quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ... Hướng dẫn cơ chế, định mức để các địa phương thực hiện hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Theo đó, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn với mức 1 triệu đồng/DN.
Tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ
Tại Hội nghị, các DN đánh giá rất cao những nỗ lực của chính quyền trong vấn đề hỗ trợ, đồng hành cùng DN kể từ khi thành lập cho đến hoạt động sản xuất kinh doanh sau này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc gây khó cho DN, từ vấn đề cây giống kém chất lượng, hàng giả hàng nhái... đến tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp nêu ý kiến. Ảnh: Hà Duy |
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: “Mục đích của DN là mong chính quyền các cấp cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc và tạo điều kiện cho DN phát triển. Việc cải cách thủ tục hành chính cho DN và người dân sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm. Tôi mong muốn chất lượng, hiệu quả của mỗi lần gặp gỡ DN lần sau phải tiến bộ hơn lần trước...". |
Ông Bùi Nghĩa Thảo-Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Gia Lai-phát biểu: “Mỗi năm, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên nộp thuế trung bình là 417 tỷ đồng/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã đóng thuế 290 tỷ đồng.Trung bình 1 lít xăng bán ra, Công ty nộp ngân sách 3.000 đồng. Song thực tế trên địa bàn tỉnh, có những đơn vị kinh doanh xăng dầu có tình trạng hàng không rõ nguồn gốc. Điều này gây ảnh hưởng tới uy tín của Công ty, đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng tới người sử dụng, các phương tiện sử dụng. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý ở địa phương các cấp tăng cường quản lý hơn”.
Vốn luôn là vấn đề được các DN quan tâm hàng đầu. Ông Phan Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) bày tỏ: “Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX, địa phương đã hình thành cánh đồng lớn, đưa những sản phẩm chất lượng ra thị trường. Tuy nhiên, hoạt động của HTX gặp khá nhiều khó khăn, nhất là không có vốn để đầu tư, liên kết. Do HTX không có tài sản thế chấp nên không tiếp cận được vốn của ngân hàng. Về đất đai, HTX không có đất làm nhà kho, sân phơi. Chúng tôi đề nghị, tỉnh có chính sách để hỗ trợ cho HTX”.
Nhiều vấn đề khác cũng được các DN nêu ra tại hội nghị như: tỉnh nên cho DN biết cụ thể lĩnh vực nào đầu tư được, lĩnh vực nào không; DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; cần có cẩm nang về tất cả những chính sách hỗ trợ gửi cho các DN; cần xem lại công tác thanh tra thuế; vấn đề chậm trễ trong hoàn thuế giá trị gia tăng; cần giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra DN...
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được coi là mục tiêu quan trọng của tỉnh. Do vậy, sau khi nghe những kiến nghị, đề xuất từ phía DN, đại diện lãnh đạo các sở, ngành cũng đã có những đáp từ mang tính cầu thị, ghi nhận và hứa sẽ cố gắng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhận định: Bên cạnh những cơ hội mới như mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh... thì còn có nhiều thách thức. Quy mô DN xuất khẩu nhỏ không thâm nhập được vào các hệ thống phân phối chính, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chủ động trong sản xuất kinh doanh. Hội nhập cũng tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các DN.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: “Các DN phát huy vai trò tự lực cánh sinh và đoàn kết trong cộng đồng DN trên địa bàn, năng động, chủ động tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm của mỗi DN. Các sở, ngành, địa phương phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của DN. Thay vì quản lý hành chính cứng nhắc phải chuyển sang mô hình phục vụ, kiến tạo cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch; các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến DN cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, DN khi giải quyết thủ tục hành chính”.
Hà Duy