(GLO)- Trong 9 tháng năm 2022, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, trong thời gian còn lại của năm 2022, các lực lượng chức năng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Xử lý vi phạm nhiều nhưng TNGT vẫn tăng
Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự đã lập biên bản hơn 62.400 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 9.400 phương tiện, 17.300 giấy tờ các loại; xử phạt hơn 57.300 trường hợp với tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn hơn 3.600 giấy phép lái xe các loại. Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã phạt nguội hơn 300 trường hợp vi phạm thông qua camera an ninh trật tự, hình ảnh do người dân cung cấp; huy động lực lượng Công an cấp xã và tổ tự quản an toàn giao thông phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý hơn 2.900 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, nhắc nhở gần 7.400 trường hợp.
Cùng với đó, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai đã triển khai 2 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 29 cuộc thanh tra thường xuyên, 6 cuộc cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước thành thùng xe, vi phạm về kinh doanh vận tải. Qua đó, đơn vị đã phát hiện 70 trường hợp vi phạm, lập 102 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 738 triệu đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn 14 giấy phép lái xe, buộc hạ tải 62,54 tấn hàng hóa. Ngoài ra, Thanh tra Sở GT-VT đã kiểm tra, xử phạt hơn 1 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm trong thi công công trình, hành lang an toàn đường bộ, phương tiện thủy nội địa...
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải xảy ra tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Lê Hồng Phong (TP. Pleiku) làm 4 người bị thương. Ảnh: Lê Anh |
Dù các ngành, các cấp quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhưng TNGT trong 9 tháng năm 2022 vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra 253 vụ TNGT, làm chết 179 người, bị thương 209 người. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT tăng 22 vụ, tăng 13 người chết và tăng 31 người bị thương.
Nỗ lực bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Ngày 16-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã ký Công văn hỏa tốc số 2112/UBND-NC gửi các ngành, địa phương về việc tăng cường chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 3 tháng cuối năm 2022.
Sau khi có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã phát động đợt thi đua đặc biệt về tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT gắn với phòng-chống tội phạm từ ngày 1-10 đến 31-12-2022. Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) thông tin: Việc tiếp tục mở đợt cao điểm theo Kế hoạch số 979 của Giám đốc Công an tỉnh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT và phòng-chống tội phạm. Phòng cũng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt đối với các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.
Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm TNGT năm 2022 từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, Ban ATGT tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá, tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch Năm ATGT 2022 và những chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác đảm bảo TTATGT 3 tháng cuối năm. Theo đó, Ban ATGT tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng-chống tác hại của rượu, bia; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lứa tuổi thanh-thiếu niên; phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở, vai trò của các già làng, chức sắc tôn giáo, người có uy tín. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở; chú trọng biện pháp tuyên truyền, giáo dục cá biệt đối với thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo tham gia bảo đảm TTATGT giai đoạn 2022-2025; xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức điểm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh THPT; đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tổ chức cho cha mẹ học sinh và học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT, không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và có phương án kiểm soát việc học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện đi học trái quy định.
Ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho biết: Ban ATGT tỉnh đề nghị các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, tập trung thiết lập TTATGT tại cơ sở; huy động các lực lượng, tổ chức các hoạt động chuyên đề, cao điểm xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, xe mô tô không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thanh-thiếu niên điều khiển xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô, đua xe và các lỗi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT; tăng cường xử phạt “nguội” qua hình ảnh do người dân cung cấp, qua mạng xã hội; tiếp tục rà soát, triển khai khắc phục các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; tiếp tục tham mưu huy động mạnh mẽ cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT.
LÊ ANH