(GLO)- Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có 31 trường Tiểu học với tổng số 23.722 học sinh. Tình trạng mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) diễn ra ở hầu hết các cổng trường. Vì vậy, triển khai dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” được xem là giải pháp hữu hiệu đảm bảo ATGT học đường, giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) đối với trẻ em.
Dự án nhỏ, ý nghĩa lớn
Hội nghị triển khai dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”. Ảnh: L.L |
Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á thực hiện và được tài trợ bởi Quỹ Botnar (trụ sở chính tại Thụy Sỹ). Giới thiệu về tổng quan dự án, ông Raoul Powlowski-Quản lý chương trình, Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu, cho biết: Theo thống kê trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 phút có 1 trẻ em tử vong vì TNGT và có khoảng 227.000 trường hợp tử vong do TNGT mỗi năm (tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do TNGT chiếm 15%). “Xuất phát từ nỗi đau của người cha từng mất con vì TNGT, năm 1979, ông Octav Botnar (người Hungary) đã sáng lập ra Quỹ Botnar nhằm hỗ trợ cộng đồng giải quyết vấn đề ATGT đường bộ cho trẻ em. Hiện Quỹ Botnar (trụ sở chính tại Thụy Sĩ) đang tập trung triển khai các dự án hỗ trợ tại một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Nam Phi… Việt Nam cũng là nước được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ từ quỹ này”-ông Raoul Powlowski nhấn mạnh.
Gia Lai là một trong những tỉnh được chọn để triển khai dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, thí điểm tại 2 trường học ở TP. Pleiku, gồm: Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ) và Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi). Tổng mức đầu tư của dự án là 1,4 tỷ đồng. Theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, đây là dự án phục vụ xã hội hướng đến mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu số ca thương vong do TNGT trong khu vực trường học, đặc biệt là đối với trẻ em, bằng giải pháp cải tạo cơ sở hạ tầng đường bộ và tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT cũng như tăng cường xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, phụ huynh…
Còn bà Trịnh Thu Hà-Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, dự án sẽ cải thiện tình trạng mất ATGT tại các trường học ở TP. Pleiku. Bởi lẽ, tình trạng học sinh vi phạm quy tắc giao thông vẫn diễn ra, nhất là học sinh THPT điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chạy xe dàn hàng ngang. Không chỉ vậy, phần lớn TNGT xảy ra đối với trẻ em còn do chính phụ huynh vi phạm các quy định về ATGT như: không đội mũ bảo biểm cho trẻ em, đi sai phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ quy định… “Các mục tiêu của dự án rất thiết thực, khi triển khai thành công sẽ mang lại hiệu quả tích cực và có thể nhân rộng ra các trường học khác trên địa bàn”-bà Hà hy vọng.
Thay đổi nhận thức về văn hóa giao thông
Đảm bảo an toàn giao thông học đường là mối quan tâm của toàn xã hội (ảnh minh họa). |
Góp phần nâng cao nhận thức về ATGT đối với cộng đồng, đặc biệt là giáo dục văn hóa giao thông đối với trẻ em là mục tiêu mà dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” hướng đến. Bà Đinh Thị Kim Phượng-Quản lý chương trình Quốc gia, đại diện Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á, thành viên Ban Hành động thực hiện dự án, cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát và chấm điểm theo các tiêu chí dự án đặt ra để chọn trường triển khai thí điểm. Mục tiêu dự án mong muốn là đầu tư chiều sâu, có kết quả lâu dài nhằm thay đổi ý thức về ATGT cho các em học sinh, để thế hệ tương lai của chúng ta sẽ tiến bộ hơn, hành xử văn minh khi tham gia giao thông”.
Nằm trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (xã Biển Hồ) có lưu lượng xe đi lại rất lớn nên tình hình giao thông tại khu vực cổng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu khá phức tạp. Bà Nguyễn Thị Thái-Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Vào giờ đưa đón học sinh, lượng phương tiện tập trung khá đông nên nhà trường rất lo về nguy cơ mất ATGT. Việc triển khai dự án sẽ hạn chế tốc độ phương tiện lưu thông qua khu vực (khoảng 30 km/giờ), từ đó giảm bớt nguy cơ TNGT cho học sinh, phụ huynh khi đi lại. “Đặc biệt, việc đưa giáo án điện tử giáo dục về pháp luật ATGT với hình ảnh sống động sẽ tạo hứng thú cho học sinh, góp phần nâng cao nhận thức của các em về văn hóa giao thông. Tuy nhiên, hiện trường đang băn khoăn chưa biết bố trí dạy nội dung này vào thời gian nào cho phù hợp”-bà Thái chia sẻ.
Giải tỏa nỗi băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban Hành động thực hiện dự án, khẳng định: Thời gian tới, Sở sẽ có định hướng cụ thể, tổ chức giảng dạy lồng ghép trong giờ sinh hoạt của trường, có thể 1 tháng dành thời gian bố trí chung cho cả trường, đảm bảo bố trí nhân lực giảng dạy phù hợp.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Việt Đức, ở Việt Nam, cứ 100.000 trẻ em thì có khoảng 20 em bị tử vong do TNGT. Còn theo Bộ Y tế, TNGT là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong cho trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 15. |
Lê Lan