(GLO)- Gia Lai là một tỉnh miền núi, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, tập chung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, có tới 68 xã nghèo và đặc biệt khó khăn. Từ xuất phát điểm như vậy, trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Gia Lai đã xây dựng và triển khai những mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm giúp người dân, nhất là các hộ nghèo giải quyết các vấn đề thiếu vốn; thiếu đất sản xuất; không biết cách làm ăn, không có tay nghề...
Trước hết phải nói đến mô hình xây dựng cánh đồng lớn. Trong năm 2017 đã có 4 dự án xây dựng cánh đồng lớn tại 4 huyện gồm: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa (Công ty TNHH Thành Thành Công Gia Lai xây dựng cánh đồng lớn tại huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa; Công ty TNHH Chế biến nông lâm thủy sản đường Vạn Phát xây dựng cánh đồng lớn tại huyện Krông Pa).
Việc phát triển cánh đồng lớn không chỉ được xem là chìa khóa gắn kết giữa 4 nhà (Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nông) trong chuỗi sản xuất nông nghiệp mà đây còn là tiền đề quan trọng giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Cánh đồng mía lớn ở xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: Trung Kiên |
Ngoài ra, để thay đổi tư duy sản sản xuất nông nghiệp lạc hậu cho các hộ nghèo, tỉnh đã chủ động triển khai các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông nhằm đưa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vào sản xuất. Xây dựng hơn 100 mô hình khuyến nông, khuyến lâm trên các loại cây trồng, vật nuôi, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: Xây dựng mô hình thâm canh đồng cỏ tại các huyện Krông Pa, Ia Grai, Chư Prông, Đak Pơ, Kbang... Đây thực sự là bước chuyển biến tích cực, phục vụ phát triển nghề chăn nuôi đại gia súc bền vững.
Mô hình thâm canh cây bắp lai, mì cao sản theo hướng bền vững cũng được đầu tư ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, các vùng có điều kiện thuận lợi cho phát triển cây mỳ, các vùng nguyên liệu của một số nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Mô hình thâm canh hoa chất lượng cao bằng giống ghép và nuôi cấy mô có thử nghiệm làm nhà lồng cũng đã được triển khai tại TP. Pleiku, huyện Đak Đoa và huyện Đak Pơ.
Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP triển khai trên các huyện Đak Đoa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.
Mô hình quản lý bệnh trắng lá mía gây hại trên cây mía tại huyện Ia Pa; mô hình quản lý tổng hợp bệnh héo chết nhanh, bệnh vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah, Đức Cơ, Ia Grai.
Mô hình trồng thâm canh cây chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đak Đoa, Mang Yang; Mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP (ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số) tại thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện; Mô hình tưới nước tiết kiệm nhằm nâng cao năng suất cây cà phê theo công nghệ NETAFIM tại huyện Chư Pah, Ia Grai; mô hình trồng thử nghiệm cà phê Catimor (cà phê chè) tại huyện Kbang; khảo sát trồng cây mắc ca tại 10 huyện: Chư Pah, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Kbang và TP. Pleiku…
Những mô hình sản xuất tiêu biểu trên đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Chính vì thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, tiếp tục giới thiệu kinh nghiệm làm ăn, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm hay, mô hình giảm nghèo đến từng hộ dân, nhất là các hộ nghèo.
Trung Kiên