(GLO)- Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, tính đến trưa ngày 30-11, mưa lớn đã gây ngập úng, chia cắt một số khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh.
Theo đó, tại huyện Ia Pa, mưa lớn làm toàn bộ khu vực dân cư thôn Bôn Jứ (xã Ia Broăi) với hơn 1.200 người dân bị cô lập, hiện nay không thể di chuyển bằng đường bộ (chỉ có thể di chuyển người bằng xuồng, ca nô). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 4 ngầm tràn bị ngập khiến cho 4 thôn gồm: Mơ Năng 2 (xã Kim Tân); Plei Du (xã Chư Răng); Bi Giông, Bi Gia (xã Pờ Tó) bị cô lập.
Trước tình hình mưa lớn, nước suối lên nhanh, một số trường trên địa bàn huyện Ia Pa đã chủ động cho học sinh nghỉ học như Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, Trường Tiểu học và THCS Quang Trung, xã Ia Broăi. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa cũng ra thông báo khẩn yêu cầu các trường, điểm trường có nguy cơ ngập lụt, qua sông, qua suối xem xét cho học sinh tạm thời nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Trước tình hình mưa lớn, Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) đã chủ động cho học sinh nghỉ học. Ảnh: Đình Tùng |
Tại huyện Krông Pa, mưa lớn đã làm 9 người dân trồng dưa (là người lao động từ Bình Định lên thuê đất để trồng dưa hấu vụ Đông Xuân năm 2021-2022) bị mắc kẹt tại khu vực rẫy thuộc buôn Chư Krih (xã Chư Drăng), 8 người dân (6 người đi sản xuất dưa hấu và 2 người đi xúc cát) bị mắc kẹt tại khu vực ven sông Ba thuộc xã Chư Gu và đã được cơ quan chức năng tại địa phương dùng xuồng đưa vào bờ an toàn.
Tại thị xã Ayun Pa, mưa lớn khiến cho toàn bộ khu vực vùng trũng của 7 xã, phường (xã Ia Rtô, Ia Sao, Ia Rbol, phường Hòa Bình, Cheo Reo, Đoàn Kết và Sông Bờ) bị ngập lụt; riêng tại phường Đoàn Kết hiện có 15 người bị mắc kẹt do nhà bị ngập và đang được chính quyến địa phương dùng xuống giải cứu. Ngoài ra, trên một số tuyến đường cũng bị sạt lở như: sạt lở 10 m3 đất đá tại đèo Tô Na (xã Ia Rtô); sạt lở đất đá, cây đổ tại tuyến đường 668 trên địa bàn xã Chư Băh.
Tại huyện Kbang có mưa vừa đến mưa to, làm các ngầm tràn giao thông bị ngập; nhiều diện tích tích cây trồng bị ngập, đặc biệt là diện tích lúa nước đang chuẩn bị thu hoạch ngã đổ. Ngoài ra, nhiều sản lượng lúa của người dân đã thu về không phơi được, tỷ lệ tổn thất cao.
Mưa lớn gây ngập nhiều nơi trên địa bàn huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Nam |
Tại huyện Kông Chro có 17 khu vực ngầm tràn (tại các xã Đak Tơ Pang, An Trung, Đak Pling, Đak Song, Kông Yang, Yang Nam, Đak Kơ Ning, Chư Krêy, Sró và thị trấn Kông Chro) bị ngập. Ngoài ra, tại khu vực xã Đak Tơ Pang đang có 3 điểm bị sạt lở.
Tại huyện Đak Pơ mưa lớn làm cống tràn làng Groi (xã Ya Hội), phần mái taluy bị sạt lở diện tích 4 m2, phần chân khay phía hạ lưu bị bong tróc với chiều dài 8 m; cống nội đồng bị sạt lỡ nền đường và hạ lưu thân cống, diện tích sạt lở 6m2. Ngoài ra, mưa lớn làm thiệt hại 49,5 ha cây trồng các loại. Trong đó, tại xã Tân An thiệt hại 24 ha cây trồng (2 ha bắp, 4,5 ha đậu đỗ, 17 ha rau các loại và 0,5 ha lúa); xã Phú An thiệt hại 24,6 ha mì; xã An Thành bị thiệt hại 0,9 ha cây trồng (0,7 ha mì và 0,2 ha rau các loại) và 1 con dê bị cuốn trôi.
Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Lê Nam |
Hiện Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp để đưa những người dân bị mắc kẹt, bị cô lập đến nơi an toàn. Riêng thiệt hại về kinh tế, hoa màu, các địa phương đang tiếp tục thống kê.
LÊ NAM - ĐÌNH TÙNG