Gia Lai luôn tạo điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo đúng quy định pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như Gia Lai online đã thông tin, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tiến hành xét xử công khai Nguyễn Công Chính về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Nhân sự kiện này, phóng viên Gia Lai online ghi lại ý kiến trao đổi của một số vị là chức sắc, tín đồ tôn giáo và người dân trên địa bàn TP. Pleiku, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Mục sư Siu Pek
Mục sư Siu Pek

Mục sư SIU PÉK (Ủy viên Ban Đại diện Tin lành tỉnh Gia Lai, thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam): Tôi rất phấn khởi bộ mặt kinh tế xã hội Gia Lai ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Tôi cũng rất cảm ơn và vui mừng vì những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.

Riêng sinh hoạt đạo của đồng bào Công giáo và Tin lành được chính quyền địa phương tạo điều kiện rất nhiều, thể hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tự do sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Toàn tỉnh hiện có 54 chi hội và gần 200 điểm nhóm sinh hoạt thuộc Hội Thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam, giúp cho đồng bào theo đạo được sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh. Các dịp lễ trọng được bà con tại các chi hội tổ chức rất quy mô và trang trọng…

Ông Rah Lan Pel.
Ông Rah Lan Pel.

Ông RA LAN PEL (Thư ký Ban Chức việc của Giáo xứ Plei Choét-TP. Pleiku): Là giáo dân đạo Công giáo, chúng tôi cũng rất bất bình những trường hợp lợi dụng tôn giáo như ông Nguyễn Công Chính- đó là những việc làm vi phạm pháp luật. Sự sai trái ấy sớm muộn gì cũng bị đưa ra xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật và chúng tôi hoàn toàn tin chắc như thế.

Riêng Giáo xứ Plei Choét hiện có hơn 1.500 giáo dân đồng bào Jrai sống tại các làng thuộc xã Chư Á và phường Thắng Lợi. Chúng tôi luôn kêu gọi toàn thể bà con giáo dân phát huy tinh thần kính Chúa- yêu nước, thực hiện tốt phương châm một giáo dân tốt cũng là một công dân tốt do Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Việt Nam đề ra.

Ông Nguyễn Văn Bằng.
Ông Nguyễn Văn Bằng.

Ông NGUYỄN VĂN BẰNG (một người dân tại tổ 10-phường Hoa Lư-TP. Pleiku, địa bàn cư trú của Nguyễn Công Chính trước khi bị bắt): Chúng tôi tiếc rằng, trước khi bị bắt, địa phương đã biết rõ sự sai trái của ông Nguyễn Công Chính, nên Chính quyền và đoàn thể tại địa phương đã trực tiếp đến nhà nói chuyện và nhắc nhở nhiều lần, cũng như đã tổ chức đưa ông ấy ra kiểm điểm trước nhân dân tổ 10 và trước toàn phường Hoa Lư, khuyên ông ấy nên từ bỏ chuyện xấu để làm một công dân tốt tại địa phương, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục vi phạm.

Do vậy chúng tôi nghĩ rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xem xét, xử lý đúng người đúng tội với những hành động sai trái của ông Nguyễn Công Chính.

Lương Thanh (thực hiện)

 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.