Gia Lai: Làng Hway làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm sát bên quốc lộ 19 ngày đêm nhộn nhịp xe cộ nhưng làng Hway (thôn 4, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) lại mang một vẻ yên bình đến lạ.

Một buổi trưa hè nóng bức cuối tháng 6, chúng tôi dừng chân tại ngôi làng Hway rợp bóng cây xanh. Sau khi đi qua cầu tràn cách cổng làng chừng 100 mét, chúng tôi đã cảm nhận được không khí mát lành, dễ chịu khác hẳn với cái nắng nóng bỏng rát bên ngoài quốc lộ. 

 

Nhà rông của làng Hway. Ảnh: P.L
Nhà rông của làng Hway. Ảnh: P.L

Làng Hway nằm dưới chân một dãy núi mà người làng vẫn hay gọi là núi Trọc. Dù vậy, không như cái tên của mình, núi Trọc vẫn được bao phủ bởi rừng cây rậm rạp, góp phần đem lại sắc xanh cho ngôi làng. Dạo quanh trên con đường làng được bê tông hóa, chúng tôi nhìn ngắm từng ngôi nhà sàn truyền thống của người Bahnar nằm ẩn dưới những tán cây mát rượi. Mặc dù đã có một vài ngôi nhà xây nhỏ nhắn xuất hiện xen kẽ, song các ngôi nhà sàn với những hàng củi khô được xếp gọn gàng, thẳng tắp ở đây vẫn đem lại cảm giác nguyên sơ, yên bình. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp một vài phụ nữ đang cặm cụi dệt vải bên hiên nhà.

Cùng với làng Ốp (TP. Pleiku), làng Phung (huyện Chư Pah), làng Đê Ktu (huyện Mang Yang)... làng Hway cũng nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh. Từ năm 2013, làng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như cụm nhà rông, nhà khách và nhà dệt thổ cẩm với kinh phí hàng tỷ đồng. Người dân Hway vẫn thường khoe làng mình có đến 2 nhà rông nhưng cả làng chỉ quen sinh hoạt ở ngôi nhà rông cũ cuối làng, đám thanh niên cũng thường xuyên ngủ ở đây. “Nhà rông mới chỉ để tiếp khách thôi. Ngày trước, mình nghe nói xây nhà rông mới để phục vụ du lịch nhưng lâu rồi không thấy có khách nào vào tham quan”-anh Đinh Bor chia sẻ.

Cụm nhà rông, nhà khách và nhà dệt vải nằm ngay đầu làng hầu như lúc nào cũng vắng vẻ. Nhà rông được làm hoàn toàn bằng gỗ với với phần mái cao lợp tôn. Bên trong nhà rông treo nhiều giấy khen, bằng khen. Nhà khách tuy vẫn còn rất vững chãi nhưng chiếc cầu thang đã bắt đầu xộc xệch, bên trong khá bụi bặm, trống trải bởi lâu rồi không có ai đến thăm. Khu nhà dệt vải được tận dụng làm lớp học của điểm Trường Tiểu học Trần Quang Khải. Phụ nữ trong làng dù vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm nhưng cũng chỉ dệt đủ để dùng. Chăm chú xếp từng chi tiết hoa văn cầu kỳ để dệt thành chiếc khăn quấn đầu, bà Đinh Nhất chậm rãi nói: “Hồi trước, mình cũng hay dệt vải lắm nhưng không ai mua. Bây giờ chỉ làm để cho con cháu dùng mà thôi”.

Trưởng thôn Đinh Khen bày tỏ: “Trước đây, khi làng được đầu tư để phát triển du lịch, bà con rất vui mừng. Thế nhưng sau khi triển khai thì hầu như các sản phẩm không bán được bởi lượng khách đến tham quan quá ít. Dần dần bà còn cũng không còn mặn mà với làm du lịch nữa”.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam, cho biết: “Khi có chủ trương phát triển Hway thành làng du lịch, chính quyền và nhân dân đều cảm thấy phấn khởi. Chúng tôi luôn tuyên truyền, động viên bà con cố gắng gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của mình như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát… Để phát triển du lịch thì làng Hway có thuận lợi như trình độ nhận thức của bà con ngày càng nâng cao, hiểu được giá trị của việc gìn giữ văn hóa, xóa bỏ hủ tục. Tuy nhiên bà con không tìm được đầu ra cho sản phẩm dệt, đan lát”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.