(GLO)- Chiều 14-7, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc về công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Y tế, đại diện các Sở: Tài chính, Giáo dục-Đào tạo, Thông tin-Truyền thông và các đơn vị điều trị trực thuộc Sở Y tế.
Theo Sở Y tế, từ tháng 10-2013 đến nay, qua công tác giám sát phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp dương tính, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại các huyện Kbang, Chư Sê và Krông Pa. Riêng trong năm 2020, tính đến ngày 14-7, ngành Y tế tỉnh đã phát hiện 21 ca dương tính với bạch hầu tại huyện Đak Đoa (19 ca tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, trong đó có 1 ca tử vong; 1 ca tại làng Bok Rei, xã Đak Sơ Mei và 1 ca tại làng H’Lang, xã Hnol). Tổng số người lấy mẫu là 75; qua xét nghiệm có 21 mẫu dương tính, 42 mẫu âm tính, còn lại chưa có kết quả.
“Trong 21 ca dương tính với bệnh bạch hầu có 5 ca có biểu hiện bệnh, còn lại không có biểu hiện bệnh. Dự lường dịch bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở một số địa phương nhưng sẽ không xảy ra dịch lớn. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính, dân tộc đều có thể mắc bệnh bạch hầu. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh là tiêm vắc xin nhằm tạo kháng thể kháng độc tố bạch hầu”-ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-nhận định.
Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, từ ngày 4-7, UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện Đak Đoa đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kịp thời tổ chức khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng, cách ly, lấy mẫu người tiếp xúc gần để gửi xét nghiệm. Ngành Y tế đã tổ chức khám sàng lọc cho toàn bộ người dân xã Hải Yang, làng Bok Rei, xã Đak Sơ Mei và làng H’Lang, xã Hnol với tổng số người được khám là 5.210; tổng số liều Erythromycin được cấp là 51.444 và 30 gói; đã triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân làng Bông Hiot, xã Hải Yang.
Hiện nay, có 38 trường hợp đang cách ly, điều trị tại các đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (8 ca dương tính, 4 ca âm tính và 6 ca nghi ngờ); Bệnh viện Nhi tỉnh (6 ca dương tính, 3 ca âm tính) và Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa (5 ca dương tính, 2 ca âm tính và 4 trường hợp nghi ngờ). Tình hình sức khỏe các trường hợp hiện đều ổn định, chưa có biểu hiện bất thường hoặc biến chứng của bệnh.
Để phòng-chống dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí dự kiến trên 6,8 tỷ đồng. Ngành cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn về việc mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) để tỉnh Gia Lai kịp thời mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu nhằm đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cũng đã có nhiều ý kiến, đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà biểu dương ngành Y tế, huyện Đak Đoa đã kịp thời triển khai tốt công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh hiện nay cần có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Y tế để triển khai tốt chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch bệnh bạch hầu. Dự lường sẽ có các ổ dịch bạch hầu khác không chỉ tại huyện Đak Đoa mà có thể ở các địa phương trong tỉnh nên phải có phương án cụ thể phòng-chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế tham mưu nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh; các địa phương phải củng cố lại ban phòng-chống dịch; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định. Các địa phương tiếp tục phát huy trách nhiệm trong công tác phòng-chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ"; khi kinh phí chống dịch phát sinh vượt quá khả năng thì đề xuất lên trên để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành Y tế làm việc lại với Bộ Y tế xem Gia Lai được hỗ trợ những gì để từ đó có đề xuất với tỉnh những khoản còn thiếu, nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân. Ảnh: Như Nguyện |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Y tế cung cấp thông tin về công tác phòng-chống dịch cho các cơ quan thông tin, nhất là Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh để kịp thời thông tin tuyên truyền giúp người dân nắm rõ tình hình, không lo lắng, hoang mang.
Đối với huyện Đak Đoa, tiếp tục giữ vững phương châm chỉ đạo và điều hành, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức tốt công tác tiêm chủng, đồng thời khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng. Thường xuyên thông tin báo cáo về Sở Y tế và Văn phòng UBND tỉnh. Sở Tài chính thẩm định chặt chẽ theo đúng quy định về kinh phí mà ngành Y tế đề xuất, nếu cần thiết thì ứng trước kinh phí để ngành Y tế triển khai công tác phòng-chống dịch. Ngành Giáo dục-Đào tạo tiếp tục nghiên cứu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới đảm bảo yêu cầu phòng-chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
NHƯ NGUYỆN