(GLO)- Trong khi rất nhiều thanh niên nông thôn hiện nay còn đang lúng túng trong việc lựa chọn nghề nghiệp hay hướng đi riêng để lập nghiệp thì Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1992, thôn Điểm 10, xã Uar, huyện Krông Pa), đã quyết tâm theo đuổi nghề tưởng như đơn giản nhưng rất khó nhọc-đó là nghề trồng nấm. Bằng niềm đam mê, sự sáng tạo, anh đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên để xây dựng thành công xưởng trồng nấm đầu tiên trên vùng chảo lửa này.
Đến thăm xưởng trồng nấm của chàng thanh niên Nguyễn Văn Hải-Chủ gia trại trồng nấm Buôn Tang-xã Phú Cần, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những gì chàng thanh niên 22 tuổi này đã gây dựng được. Với dáng người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi, Hải kể cho chúng tôi nghe về quá trình lập nghiệp của mình.
Hải đang tưới nước cho các giá nấm vừa mới được trồng. Ảnh: Q.T |
Năm 2012, niềm đam mê trồng nấm bắt nhen nhúm, khi bố anh có ý tưởng mở xưởng trồng nấm-nghề còn tương đối xa lạ với người dân Krông Pa. Tuy nhiên, mới lên kế hoạch xây dựng thì bố anh đã đột ngột qua đời. Nén nỗi đau, năm 2013, Hải quyết định thực hiện ý tưởng của bố, cùng sự đam mê mình, Hải không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm hiệu quả ở các tỉnh, thành phố lân cận. Có khi Hải còn lặn lội vào cả Ðồng Nai học hỏi phương thức trồng nấm, từ đó đúc kết kinh nghiệm về điều kiện khí hậu, môi trường để tìm ra những giống nấm phù hợp. Sau một thời gian tìm hiểu và áp dụng những kiến thức đã học, Hải quyết định bắt tay vào xây dựng xưởng trồng nấm của mình.
Hải tâm sự: “Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như thiếu vốn đầu tư, mình chủ yếu thu gom nguồn rơm, cùi bắp, mùn cưa của bà con về ủ trồng nấm với quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao, cứ làm khoảng 1.000 giá thể nấm thì khoảng 600 giá thể cho thu hoạch, còn lại bị hỏng. Nhận thấy nhu cầu về nấm của thị trường ngày càng lớn, bà con ưa chuộng nguồn thực phẩm này bởi nấm là sản phẩm sạch, không có hóa chất, giàu dinh dưỡng, mình đã quyết tâm vay mượn vốn để đầu tư xây dựng gia trại trồng nấm với quy mô lớn hơn”.
Xưởng nấm có quy mô hơn 1.000 m2 của Hải. Ảnh: Q.T |
Nghĩ là làm, Hải đăng ký ra vùng đất chuyển đổi, làm đơn vay vốn từ ngân hàng, vay mượn anh em, bạn bè, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm lò hấp, lò sấy khử trùng để phục vụ cho quá trình sản xuất nấm. Tổng kinh phí mà Hải bỏ ra đầu tư vào xưởng trồng nấm này là trên 1 tỷ đồng, trong đó 30% số vốn được vay tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa. Thành công từ ý chí và nghị lực, giờ đây Hải là ông chủ của gia trại trồng nấm có quy mô khá lớn. Với diện tích trên 1.000 m2, gia trại thường xuyên có 10 ngàn đến 11 ngàn giá thể nấm, gồm 3 loại: nấm mèo; nấm sò và nấm rơm được trồng xen kẽ và gối đầu. Ðến thời điểm thu hoạch (sau khi trồng 7 ngày sẽ cho thu hoạch), mỗi ngày tung bình anh thu hoạch được trên dưới 1 tạ nấm các loại với giá bán trung bình từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg. Sản phẩm nấm của anh rất được thị trường ưa chuộng và khá rộng lớn, không chỉ cung cấp cho thị trường huyện Krông Pa mà còn cung cấp cả thị trường TP. Pleiku và TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
“Để cây nấm sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế, trước hết phải chọn giống nấm ở các cơ sở có uy tín. Nguồn nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa phải bảo đảm đủ độ ẩm tiêu chuẩn, chú ý nguồn nước tưới phải sạch. Tùy điều kiện thời tiết mà chọn những giống nấm khác nhau để cho năng suất cao. Hiện mình đang chuyển dần từ việc sử dụng rơm rạ, mùn cưa, cùi bắp sang tận dụng bông thải từ các nhà máy bông để trồng nấm vì cho năng suất cao gấp nhiều lần (mỗi kg bông có thể cho gần 1 kg nấm so với 1 kg rơm rạ, cùi bắp chỉ cho khoảng 2 gram nấm)- Hải cho biết thêm.
Trẻ tuổi, dám nghĩ, dám làm. Hiện chàng trai 9X-Nguyễn Văn Hải đang tiếp tục nghiên cứu tìm các giống nấm mới phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, mang lại thu nhập cao, đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm. Hy vọng với ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ, Hải sẽ thành công hơn nữa trong công việc và xứng đáng là thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp.
Quang Tấn