Đường sắt tốc độ cao được thiết kế với tốc độ tàu chạy 350 km/h - có thể cạnh tranh được với máy bay.
Báo cáo giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao ngày 28/8, liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho biết, đến năm 2030 cả nước sẽ có 1,97 triệu hành khách/ngày và 2,8 triệu tấn hàng hoá trên hành lang Bắc - Nam. Nếu không đầu tư thêm loại hình vận tải khối lượng lớn sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên hành lang này.
Theo phương án liên danh tư vấn đưa ra, tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh dài 285km; Vinh - Nha Trang 896km; Nha Trang - TP.HCM 364km.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 58,71 tỷ USD. Trong đó đoạn Hà Nội - Vinh khoảng 10,83 tỷ USD, Sài Gòn - Nha Trang khoảng 13,83 tỷ USD và đoạn Vinh - Nha Trang là 34,05 tỷ USD.
Đường sắt tốc độ cao sẽ đi qua 20 tỉnh thành trên cả nước |
Đại diện liên danh cho biết, với vận tốc 200 km/h, thị phần hành khách đoạn Hà Nội - Nha Trang chỉ đạt 2,7%, còn khi đạt tốc độ 350 km/h thì có thể đạt thị phần 14%. Do đó, nếu khai thác tốc độ 350km/h, đường sắt sẽ cạnh tranh được với máy bay.
Trong giai đoạn đầu, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn sẽ khai thác tốc độ từ 160-200 km/h. Tốc độ này vẫn có thể cạnh tranh được với máy bay do không phải mất 2h ra sân bay làm thủ tục.
Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới có khổ đường 1.435mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu; trong đó 60% đi trên cầu đường bộ, 10% qua hầm, 30% đi trên mặt đất được rào chắn không giao cắt.
Nếu được sớm thông qua, dự án sẽ đưa vào khai thác thử nghiệm vào năm 2028-2029, các đoạn ưu tiên đưa vào khai thác năm 2032, các đoạn còn lại đưa vào khai thác năm 2040 -2045.
Sẽ trình QH thông qua
Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường cho biết, việc dự án chia các đoạn (Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, Nha Trang - Vinh) chưa phù hợp. Theo ông, cần chia nhỏ các dự án đầu tư, nhằm thực hiện tốt các dự án thành phần.
Hơn nữa, việc lựa chọn các nhà ga đặc biệt là Hà Nội - TP.HCM cần có đề xuất giao thông kết nối đồng bộ để phát huy hiệu quả dự án.
Đối với việc huy động nguồn vốn, ông Long cho rằng trường hợp sử dụng vốn ODA cần có sự đồng bộ trong quá trình đầu tư và huy động vốn. Riêng vốn ngân sách nhà nước phải nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông mong nhận được đóng góp thẳng thắn của người dân và các chuyên gia |
Đối với vốn tư nhân phải xác định rõ tỉ trọng và giá trị là bao nhiêu, tính khả thi trong huy động vốn tư nhân trong điều kiện Việt Nam cũng cần phải làm rõ trước khi đề xuất Chính phủ quyết định.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Trọng Bách, trước kia dự án đường sắt cao tốc có nhiều điểm chưa được làm rõ, nhất là hiệu quả đầu tư nên QH đã "bác". Trong báo cáo cần làm rõ vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, dự án phải tính bằng hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại cho xã hội, chứ không phải hiệu quả kinh tế từ dự án.
“Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khó thu hồi vốn, nhưng nhà đầu tư sẽ tính hiệu quả nên cần phải bóc tách. Về hạ tầng, Nhà nước phải đầu tư, còn lại sẽ hướng đến tư nhân", ông nói.
So với báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trình QH trước đây, lần này sẽ có nhiều điều chỉnh. Trong đó, báo cáo đã cập nhật dự báo thị phần vận tải, định hướng công nghệ.
Thứ trưởng cũng mong muốn người dân, chuyên gia đóng góp thẳng thắn để dự án sớm được Chính phủ, QH thông qua.
Vũ Điệp (Vietnamnet)