Dưới vòm lộc vừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đi loanh quanh dưới vòm cây lộc vừng, đột nhiên tôi ngẫm ra được nhiều thứ. Lại nghĩ, khi bắt đầu biết yêu lộc vừng hẳn là ta đã trải qua nhiều giông gió cuộc đời. 
Bông hoa nào cũng sẽ có lúc lụi tàn, ấy vậy mà loài hoa lộc vừng lúc lìa cành rơi xuống lại rực lên như một dấu son trên môi. Ai đi xa về thấy lộc vừng như người bạn chờ đợi chung thủy. Cách lộc vừng trổ hoa như niềm vui không tài nào giấu kín. Thảm hoa trải vào đất, hòa cùng đất. Đất cho cây và cho hoa, cây lại dâng hoa trước khi đen thẫm hòa vào lòng đất mẹ. Một quy luật sinh tử không thể nào tránh khỏi. Thế nhưng cũng như cây dâng hết lòng mình qua những dây hoa, ai một lần sinh ra và tồn tại chẳng muốn làm nên một điều gì đẹp cho đời. Nhánh lộc vừng đã nhiều, mỗi dây còn kết lại bao nhiêu là hoa, mỗi hoa mang bao nhiêu sắc đỏ. Từng điều nhỏ bé của cây đó chẳng phải đã làm nên một lộc vừng mà ai ghé ngang cũng không thể quay mặt làm ngơ.
 Hoa lộc vừng. Ảnh: K.N.B
Hoa lộc vừng. Ảnh internet
Lộc vừng trổ hoa như người con gái e thẹn bắt đầu chăm chút hương sắc, bước vào đời. Tấm thảm hoa mà lộc vừng mang lại đâu chỉ cho ta cảm giác về sự mềm mại, mỏng mảnh mà còn làm ta ý tứ về đôi bàn chân, bước nhẹ hơn nếu không muốn giẫm phải từng tí xíu hoa lộc vừng, không phá đi dáng hình mà hoa đã tạo trên mặt đất. Lộc vừng ra hoa, từng nhánh dài rơi xuống, mỗi nhánh mang không biết bao nhiêu là hoa nhìn như những ngón tay thon điệu nghệ hay là cái cúi đầu thầm lặng. Dây hoa lộc vừng thả nhẹ xuống còn như những tấm rèm nhỏ. Rèm hoa ấy là mạch nối vừa kỳ bí vừa dẫn dắt giữa cây và thế giới, có thể đưa cây đến gần hơn với mọi người. Đôi lúc, ta muốn với tay chạm vào bức rèm ấy, hoặc ngồi từ xa mà ngắm nhìn vẻ đẹp của tạo hóa gửi gắm. Với ý nghĩ nào, hình dáng nào, lộc vừng cũng là một ý niệm gần gũi. Người ta sẽ thấy hoa dâng cho đời hết thảy và người ta cũng thấy hoa còn điều gì đó giữ lại cho riêng mình. Ấy là những nhành hoa cho đợt sau, những nồng nàn của mùa sau gửi tặng. Tôi thầm nghĩ, nhà nào có con gái thì nên trồng cây lộc vừng để con họ hình dung và hiểu thế nào là yểu điệu thục nữ, đẹp duyên dáng, thướt tha. Không chỉ có thế, cái đẹp của lộc vừng còn gắn cả sự kiêu hãnh, ở cái bung tỏa hết mình, ở cái màu đỏ nổi bật, rất nghệ thuật. Vậy là một loài hoa ngoài cái đáng yêu dâng đời còn là một cá tính đặc biệt để mọi người cùng khám phá. 
Cây lộc vừng ban sáng lấp lánh trong nắng thơm. Về đêm lộc vừng huyền bí trước những cơn gió thoảng qua, cây như người già lớn tuổi vuốt râu, uống một ngụm trà, bình thản, chiêm nghiệm thế sự. Chẳng phải vì thế mà lộc vừng càng già, càng lâu năm, nhất là những cổ thụ lại càng quý hay sao. Người ta vẫn thường trồng cây với ý muốn về sự tài lộc dồi dào, hưng thịnh. Gọi tên lộc vừng là đã thấy vấn vương và từng thảm đỏ lộc vừng vẫn khiến ta chờ ngóng, mỗi mùa... 
 NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...