Tại buổi tọa đàm về chủ đề hạnh phúc, sinh viên ngồi kín cả hội trường. Khi diễn giả đặt câu hỏi: 'Vì sao nhiều bạn lại quan tâm đến chủ đề này, có phải vì các bạn đang muốn đi tìm hạnh phúc?', thì có tới 99% cánh tay đưa lên...
Bạn trẻ đặt câu hỏi về đi tìm hạnh phúc cho chính mình |
Vậy làm thế nào để tìm được hạnh phúc thật sự? Tại sao lại phải đi tìm hạnh phúc và tìm nó ở đâu?... là những vấn đề được đặt ra và cùng đi tìm câu trả lời tại buổi tọa đàm “Đi tìm hạnh phúc sau cánh cửa đại học” do CLB Sách Vàng (thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tổ chức sáng 25/9.
Hãy làm những gì mình muốn
Dương Duy Bách, Giám đốc Công ty Fly Việt Nam (công ty chuyên đào tạo kỹ năng sống cho người trẻ), cho rằng hiện nay rất nhiều người đi làm nhưng không thấy hạnh phúc từ công việc, rồi có người sống gần hết cuộc đời không biết mình muốn điều gì? Và khi hỏi sinh viên: “Có bao giờ bạn nghĩ 10 năm sau bạn sẽ như thế nào, sẽ làm gì và đã viết tất cả ra giấy chưa?”, sau đó dù hạ thời gian xuống 5 năm, rồi 1 năm nhưng câu trả lời đều là “không”.
Anh Bách cho rằng phải thật sự biết mình cần gì, muốn gì trước khi đi tìm hạnh phúc. “Đối với tôi hạnh phúc là được làm những gì mình muốn, tại bất kỳ thời điểm nào và với bất kỳ ai mình thích. Khi được làm điều mình muốn, thấy có được nhiều niềm vui và năng lượng thì đó là điều hạnh phúc nhất. Chính vì thế, hãy theo đuổi sự thoải mái nhất cho bản thân trước khi theo đuổi thành công”, anh Bách khuyên.
Hoàng Ngọc Tú Uyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thẳng thắn: “Em đến đây để mong một lời khuyên, tại vì em mơ hồ, em mông lung không biết hạnh phúc là như thế nào. Nhiều người nói chỉ cần được sống với đam mê là hạnh phúc, nhưng bản thân em vẫn chưa biết được mình đam mê cái gì. Vậy làm sao để tìm được đam mê và giữ lửa đam mê?”.
“Cách tốt nhất là ta cứ thử, thử hết cái này đến cái khác, làm hết sở thích này đến sở thích khác. Điều nào thật sự làm ta vui thì ta lại tiếp tục với nó, không thì dừng lại và thử điều mới. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mới mở ra được. Đến một ngày, ta sẽ tìm được niềm vui và đam mê thật sự vào một điều gì đấy”, chị Phi Tuyết, chuyên gia sáng tạo nội dung phim tại Rose Film International nói.
Tại sao chúng ta không hạnh phúc?
Chị Phạm Quỳnh Giang (tác giả, dịch giả, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) ví von: “Cuộc đời của chúng ta có rất nhiều đống rác bị đổ vào, nhưng chúng ta lại không dọn nó đi. Cũng giống như mỗi khi gặp những chuyện không như ý muốn nhưng cứ mang theo mình rồi cảm thấy bực bội, khó chịu. Khi nào thấy trong lòng mình còn ít rác thì hãy dừng công việc lại và dọn sạch rác đó đi, khi đó cuộc sống của chúng ta mới nhẹ nhàng và hạnh phúc”.
Nhắc đến những cảm giác bực bội, khó chịu của mỗi người, anh Bách nhấn mạnh đến tâm lý “ta là nạn nhân”. Tức là: “Từ cách cha mẹ giáo dục con cái, con bị ngã thì đánh cái bàn, cái ghế nên tạo cho đứa trẻ chỉ biết đổ lỗi và luôn mang tâm lý mình là nạn nhân. Khi xảy ra bất cứ vấn đề gì thì chỉ biết đổ lỗi cho xung quanh và thấy ấm ức, khó chịu trong lòng. Khi đổ lỗi như vậy là ta đã trao quyền kiểm soát cuộc đời mình cho người khác. Nếu ta tự từ chối quyền kiểm soát những tâm trạng vui buồn của bản thân thì sẽ chẳng đưa cuộc đời mình đến đâu được”, anh Bách giải thích cặn kẽ.
Rồi anh Bách khuyên: “Bạn có thể bị ngã, lựa chọn đứng dậy hay không là ở mỗi người. Mọi thứ trong cuộc đời xảy ra đều có lý do của nó, hãy cảm nhận và đón nhận bằng sự biết ơn. Thật ra, ý nghĩa của mọi thứ trên cuộc đời đều do mình gán vào nó. Giống như chúng ta không tìm thấy niềm vui khi đi học, là chúng ta tự cho rằng người giảng viên này dạy rất chán hay do bản thân chính các bạn đang chán”.
Kết thúc buổi nói chuyện, chị Phi Tuyết nhắn gửi: “Đừng cứ mãi đi theo lối mòn là ra trường phải tìm được việc đúng chuyên ngành, hay phải đi làm ngay. Mà ngay từ bây giờ, hãy tìm ra đam mê cho bản thân và mạnh dạn theo đuổi. Đi theo lối mòn đôi khi dẫn ta đến những con đường đẹp, nhưng đôi khi cũng dẫn đến những nơi không tạo được thoải mái. Phải chuẩn bị thật nhiều những hướng đi khác cho bản thân và làm những điều mình thật sự muốn”.
Nữ Vương (thanhnien)