(GLO)- Việc đưa vào vận hành hầm Phước Tượng-Phú Gia đã giảm thời gian lưu thông qua quốc lộ 1, đồng thời xóa “điểm đen” tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông thường xuyên khi người và phương tiện qua cung đường đèo Phước Tượng-Phú Gia khi qua tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đường dẫn vào hầm đường bộ Phú Gia hiện tại. Ảnh: Bùi Oanh |
Sáng 7-12, Công ty cổ phần BOT Phước Tượng-Phú Gia, đã chính thức đưa công trình hai hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia vào sử dụng. Tuy nhiên, do công trình vẫn chưa hoàn thiện nên Bộ Giao thông-Vận tải vẫn chưa cho phép Công ty cổ phần BOT Phước Tượng-Phú Gia thu phí các phương tiện qua hầm. Để đảm bảo an toàn, chỉ có các loại phương tiện giao thông như ô tô, xe máy được phép lưu thông qua hai hầm này. Riêng xe đạp và người đi bộ không được qua hầm để đảm bảo an toàn.
Ghi nhận P.V Báo Gia Lai điện tử, sau 2 hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia đưa vào sử dụng, từng đoàn phương tiện đã được lưu thông an toàn với nhiều tiện ích khi không phải đi qua cung đường đèo Phước Tượng-Phú Gia hẹp ngang, dốc cao với nhiều khúc cua vạt áo như trước đây. Hai hầm đường bộ này đều nằm trên quốc lộ 1 cách hầm Hải Vân khoảng 3 km về phía Bắc.
Hầm Phước Tượng có chiều dài 375 mét, hầm Phú Gia có chiều dài 447 mét, cả hai hầm đều rộng 12 mét, gồm hai làn xe cơ giới, với vận tốc thiết kế 80 km/giờ, chịu được động đất cấp 6. Đường dẫn vào hai hầm dài gần 6 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mặt đường bê tông nhựa, với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án xây dựng hai hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia do Công ty cổ phần BOT Phước Tượng-Phú Gia đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) với tổng vốn 1.743 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm nỗ lực triển khai, vượt qua hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, vướng mặt bằng, vật liệu… dự án hòa nhịp thông xe toàn tuyến quốc lộ 1 Thừa Thiên-Huế và đưa vào vận hành. Đồng thời không chỉ góp phần hoàn thiện và làm thay đổi diện mạo hạ tầng quốc lộ 1- tuyến quốc lộ huyết mạch quốc gia mà còn đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng qua tuyến đường này, tạo động lực thúc đẩy phát triển về nhiều mặt giữa các tỉnh, thành miền Trung, nhất là 2 trung tâm kinh tế, văn hóa lớn là TP. Huế và TP. Đà Nẵng.
Đặc biệt, việc sớm vận hành hầm Phước Tượng-Phú Gia còn giảm thời gian lưu thông qua cung đường này, đồng thời xóa “điểm đen” tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông thường xuyên qua đèo Phước Tượng-Phú Gia khi qua tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Bùi Oanh